Ninh Bình: Ban hành Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022

Thứ Ba, 08/03/2022, 07:29 [GMT+7]
    Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2022 của Ban Nội chính Trung ương và Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình vừa ban hành Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
 
    Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra một số tồn tại, hạn chế năm 2021 yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
 
    Tiếp tục quán triệt,triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
    Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách, quản lý; xác định hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị quản lý, phụ trách. 
 
    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, về các vụ án tham nhũng, kinh tế và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. 
 
    Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay tại cơ sở; chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định; tăng cường giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
 
    Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ, phong toả tài khoản và xử lý thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 
 
    Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư các huyện ủy, thành ủy, Bí thư Đảng ủy các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân để tiếp nhận, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực;thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; duy trì, phát huy hiệu quả “đường dây nóng” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt việc bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực hoặc lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại, tố cáo để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước.
 
    Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nội chính bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay; kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 
 
    Trên cơ sở Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện; đồng thời, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình công tác này tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
.