Ninh Bình: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân

Thứ Bảy, 27/02/2021, 08:20 [GMT+7]
    Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều công trình, dự án lớn kéo theo nhiều diện tích đất phải thu hồi giải phóng mặt bằng. Chính vì thế, số lượng đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi phải tăng cường và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng sát với tình hình thực tiễn.
 
    Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định số 11-QĐi/TW), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp được chủ động thực hiện; các vụ việc cơ bản được chỉ đạo xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chủ trì phiên tiếp công dân
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chủ trì phiên tiếp công dân
    Để cụ thể hóa Quy định số 11-QĐi/TW, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Quy chế số 09-QC/TU ngày 26/7/2019 quy định trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đồng thời, yêu cầu các cấp ủy trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc ở cấp mình, phân công Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu, giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân theo quy định và theo dõi, đôn đốc các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai thực hiện.
 
    Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban thường vụ các huyện, thành ủy đã ban hành quy định về trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân và triển khai thực hiện đồng bộ đến cấp xã, phường, thị trấn.
 
    Sau một năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tiếp 2.490 lượt công dân/768 vụ việc; trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp 150 lượt công dân/33 vụ việc, sau mỗi phiên tiếp công dân đều ban hành thông báo kết luận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý, giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật; đồng chí bí thư các huyện, thành ủy tổ chức tiếp và đối thoại với dân 88 phiên, đã tiếp 76 lượt công dân/187 vụ việc; đồng chí bí thư đảng ủy các xã, phường tổ chức tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân 2.752 phiên, đã tiếp 2.264 lượt công dân/557 vụ việc.
 
    Bên cạnh tiếp dân định kỳ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, qua đó đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân, báo cáo tiến độ giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân với Tỉnh ủy. Đồng thời, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy phụ trách địa bàn theo dõi, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức đảng cấp dưới chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở. 
 
    Thông qua các buổi tiếp dân, đồng chí bí thư cấp ủy đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của công dân, nhiều kiến nghị, phản ánh khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, hạn chế việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp gây mất an ninh, trật tự. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
    Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và là năm có nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dự báo tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư có chiều hướng gia tăng. Do vậy, trong thời gian tới người đứng đầu cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện tốt một số giải pháp phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
 
.