Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế: Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020
Thứ Hai, 06/04/2020, 06:27 [GMT+7]
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng.
Nâng cao ý thực trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc quán triệt, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng. Tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Một cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế |
Theo Kế hoạch, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch nhấn mạnh: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vụ án tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý; thực hiện việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Điều 72, Điều 73 của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thanh tra các cấp tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch công tác năm 2020 đã được phê duyệt; thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cần chú trọng việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có); phát hiện, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra; các kết luận, kiến nghị, quyết định sau thanh tra phải được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật.
Các cơ quan công an, viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế mới phát hiện, đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án còn tồn đọng của những năm trước.
Tiến Dũng