Banner

Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên

Thứ Hai, 27/01/2020, 06:26 [GMT+7]
    Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Nhân dịp Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, bài viết nêu kết quả công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên những năm vừa qua.
 
    Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em. Theo số liệu Tổng cục Thống kê ngày 01/4/2019, người Kinh chiếm 85,3% dân số, 53 dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, cùng chung vận mệnh lịch sử, từ lâu đời đã sớm có ý thức gắn bó với nhau trong chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc đã tạo lên một quốc gia dân tộc bền vững, thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chủ yếu ở miền núi, với địa bàn rộng lớn chiếm 3/4 diện tích cả nước, bao gồm khu vực biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và môi trường sinh thái. Các DTTS ở nước ta có số lượng dân cư không đều, sống xen kẽ, không có dân tộc nào ở vùng lãnh thổ riêng, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Các DTTS có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau (do rất nhiều nguyên nhân khác nhau), có sắc thái văn hóa phong phú và đa dạng, nhưng thống nhất trong bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Đắk Lắk
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Đắk Lắk

    Đảng và Nhà nước ta xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”. Người từng nhắc nhở: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số…; phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên, cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương tiến bộ, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay…”(1). Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) xác định những quan điểm cơ bản về công tác dân tộc, đề ra mục tiêu, những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách, một số giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”. 

    Thể chế hóa đường lối của Đảng, tính đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, bao quát các lĩnh vực dân sự, chính trị; quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kinh tế, lao động và việc làm; văn hóa, thông tin; giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường; công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị(2). Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng có 118 văn bản, trong đó, có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi(3).

    Những năm đổi mới, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thực hiện đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao (trung bình 8% năm). Nền kinh tế nhiều thành phần bước đầu hình thành và phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng, sản xuất với số lượng hàng hóa lớn. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể. Các lĩnh vực xã hội đạt được những kết quả quan trọng: Mặt bằng dân trí được nâng cao. Vùng dân tộc và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng dân tộc và miền núi; đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống phát thanh, truyền hình ở vùng dân tộc và miền núi không ngừng phát triển; các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn. Việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên. Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng. Tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

    Tuy nhiên, vùng dân tộc ở nước ta hiện nay còn có những khó khăn, thách thức cơ bản như sau: Đa số vùng nông thôn, nơi các DTTS sinh sống tập trung chưa được quy hoạch, xa các trung tâm huyện, tỉnh. Các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống là những tỉnh trong nhóm nghèo và nghèo nhất cả nước, xa các trung tâm động lực phát triển các khu vực; tài nguyên môi trường vùng miền núi biến đổi mạnh, nhanh. Rừng tự nhiên bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng, tính đa dạng sinh học của nhiều vùng rừng quý nhất của nước ta đang mất dần; nguồn nước mặt và nước ngầm có dấu hiệu đang cạn kiệt dần, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Tài nguyên khoáng sản ở nhiều nơi bị khai thác bừa bãi. Còn nhiều vùng kinh tế chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Tập quán sản xuất, công cụ thô sơ, lạc hậu, năng suất lao động rất thấp. Chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Nguồn nhân lực lao động qua đào tạo trong các DTTS rất thấp, chỉ khoảng 5% đến dưới 10%, cá biệt có nhóm chỉ 1-2%. Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại ở một số vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế mặc dù được cải thiện nhưng chất lượng còn thấp. Chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần của một số dân cư trong cộng đồng và những làng, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao rất thấp so với các chỉ số phát triển trung bình của các địa phương ở từng tiêu chí. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, diện tích đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cho cộng đồng của đồng bào DTTS ở nhiều nơi đã và đang bị thu hẹp dần cả về tương đối và tuyệt đối. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS ở các ngành, các cấp còn rất hạn chế, nhất là ở cấp Trung ương, các ngành quản lý kinh tế, cán bộ giữ vị trí quản lý từ cấp vụ trở lên. Trong khi cấp cơ sở ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về văn hóa, về tri thức, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, về năng lực, kỹ năng thực thi nhiệm vụ. Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng DTTS diễn biến rất đa dạng và có không ít nơi không bình thường; có nơi tôn giáo đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng để tập hợp lực lượng, kích động phá hoại đoàn kết dân tộc, chống Đảng, chống chế độ, đòi ly khai… Các tổ chức phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách lợi dụng những khó khăn phức tạp trong vùng DTTS để kích động, tập hợp lực lượng gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội(4)...

    Thực tiễn cho thấy, việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân tộc đã được quan tâm nhưng còn có những bất cập. Một số nội dung về chính sách dân tộc đã được xác định trong  các chủ trương, đường lối của Đảng nhưng chưa được thể chế hóa hoặc quy định rõ ràng, đầy đủ trong các văn bản pháp luật. Thực trạng này tạo nên những “khoảng trống” về căn cứ pháp lý. Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó là: Quan điểm, nhận thức và sự am hiểu, thông tin, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu về lĩnh vực thể chế hóa chính sách dân tộc, công tác dân tộc còn có những hạn chế nhất định, chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là nhận thức về những vấn đề phát triển mới ở vùng dân tộc. Do đó, các chính sách nói chung chưa được thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào(5)... Tổng kết thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, dưới góc độ đánh giá vấn đề cán bộ trong công tác xây dựng, ban hành, phổ biến và thực thi luật, chính sách về công tác dân tộc, nhận thấy: Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người DTTS ở một số địa phương chưa đáp yêu cầu; chưa có chế độ, chính sách phù hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đối với từng vùng miền, địa phương… Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chiến lược công tác dân tộc; củng cố, kiện toàn cả về chất lượng và số lượng đội ngũ làm công tác dân tộc ở các cấp, nhất là cán bộ người dân tộc; đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân tộc(6). Những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác dân tộc thời gian qua, trực tiếp hay gián tiếp, đều liên quan đến việc sử dụng, phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng, phổ biến luật pháp và thực thi pháp luật về dân tộc, miền núi.

    2. Tây Nguyên có diện tích tự nhiên trên 54.641 km2 (chiếm 16,51% diện tích cả nước); đường biên giới phía Tây giáp nước Lào và Campuchia khoảng 400 km; khí hậu nhiệt đới ẩm của cao nguyên ôn hòa, khô, mát, ít bão và sương muối, phân hóa thành nhiều tiểu vùng và thay đổi theo từng khu vực; là thượng nguồn sinh thủy của các sông Mê Kông, sông Ba, sông Đồng Nai… Trước năm 1975 có 12 dân tộc tại chỗ. Ở Tây Nguyên hiện nay có đủ 54 dân tộc cùng sinh sống (7). Tây Nguyên được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng địa sinh thái giàu tài nguyên và là vùng địa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo, giàu bản sắc. Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh, quốc phòng và tiến tới trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Thực hiện chủ trương trên, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ vùng Tây Nguyên từ ngày giải phóng đất nước năm 1975 đến nay, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau tham gia khảo sát, nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nguyên nói chung và vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng. Qua đó, góp phần làm thay đổi to lớn diện mạo Tây Nguyên về mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

    Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đến nay đã có 03 chương trình quan trọng về Tây Nguyên, tập hợp lực lượng đông đảo cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương tham gia nghiên cứu, cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành các luật và chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên. Đó là: Chương trình Tây Nguyên 1 “Điều tra tổng hợp về Tây Nguyên” trong các năm 1976-1980; Chương trình Tây Nguyên 2 “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên” những năm 1984-1988; Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3). Chỉ riêng Chương trình Tây Nguyên 3, qua 05 năm thực hiện đã huy động hơn 2.600 nhà khoa học và chuyên gia trong các tổ chức khoa học thuộc 12 bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tham gia; thực hiện 62 đề tài và 05 nhiệm vụ độc lập, trong đó, có 21 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh, quốc phòng, 31 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và phòng, chống thiên tai, 11 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; đáp ứng 04 mục tiêu cơ bản: Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở dữ liệu cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên; ứng dụng chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo các sản phẩm hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nguyên, bước đầu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên. Trong nhiệm vụ an ninh - quốc phòng của Tây Nguyên, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường đã được chú ý nghiên cứu sâu, toàn diện với nhiều kết quả cập nhật phục vụ cho xây dựng các luận cứ khoa học. Các dữ liệu về văn hóa và biến đổi văn hóa, tôn giáo, dân tộc, dân cư, đào tạo đã cung cấp những luận cứ và giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững Tây Nguyên(8).    

    Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới” xác định một số yêu cầu, trong đó có nội dung: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc niềm núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số”; “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc. Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”...

    Nghị quyết số 88/2019/QH14 do Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp thứ 8) ban hành ngày 18/11/2019, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu tổng quát: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”. Đồng thời, yêu cầu về tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có nội dung: “Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án”... 

    Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc trong tình hình mới, việc đẩy mạnh phát huy sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng đối với vùng dân tộc, miền núi, trong đó có vùng Tây Nguyên là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời gian tới.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.9, tr.181-182.
(2) PGS. TS. Hoàng Văn Tú, TS. Nguyễn Cao Thịnh, Ủy ban Dân tộc; TS. Hoàng Thị Hương, Đại học Kinh tế:
“Thực trạng của việc Quốc hội quyết định chính sách dân tộc hiện nay và một số khuyến nghị”, tháng 7/2019.
(3) TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn
chính sách dân tộc hiện nay cần vai trò quyết định của Quốc hội”, tháng 7/2019.
(4) Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện Khoản 5, Điều 70, Hiến
pháp năm 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước” của Đảng đoàn Quốc hội; Hội thảo tại
Hà Nội ngày 25/7/2019.
(5) Tài liệu đã dẫn như trên.
(6) Tài liệu Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Thủ tướng
Chính phủ về công tác dân tộc.
(7) GS. TS. Trình Quang Phú: “Luận bàn về văn hóa Tây Nguyên” trong giá trị văn hóa truyền thống Tây
Nguyên với phát triển bền vững, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.37.
(8) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà
nước giai đoạn 2011-2015 (Chương trình Tây Nguyên 3): Báo cáo tổng kết chương trình, Hà Nội, năm 2016.

Trần Quốc Cường

(Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương)

.
.