Công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự

Thứ Hai, 04/04/2022, 05:54 [GMT+7]
    Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan đặc trách các vấn đề về ma túy và thực thi pháp luật quốc tế - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL) tổ chức Hội thảo công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự.
 
    Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chính phủ hai nước theo Thư thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự (LOA), tính từ đầu năm 2018 đến nay, INL đã trực tiếp hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiều hoạt động nhằm tăng cường tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ về những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, phục vụ thiết thực cho công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu cải cách tư pháp theo hướng xây dựng hệ thống Tòa án vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ được công bằng, lẽ phải và tin tưởng tư pháp; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Đây là một trong 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Tòa án để thực hiện cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ chế người dân tham gia xét xử đã có quá trình áp dụng lâu dài và ổn định tại Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước; tuy nhiên, đứng trước bối cảnh phát triển mới của đất nước, cần nhìn nhận lại và đánh giá một cách khách quan về sự phù hợp của mô hình này, từ đó có những bổ sung, thay đổi cho hợp lý.
 
    Để hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất cần mở rộng cơ cấu, thành phần ứng viên Hội thẩm, bảo đảm đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, khắc phục thực trạng Hội thẩm chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác; Nghiên cứu khả năng thiết lập Hội thẩm đoàn tham gia xét xử các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; Thay đổi thành phần hội đồng xét xử theo hướng tăng số lượng Thẩm phán, giảm số lượng Hội thẩm; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho Hội thẩm; Cần thiết kế quy trình nghị án tách biệt giữa Thẩm phán và Hội thẩm; Hoàn thiện chế độ, chính sách dành cho Hội thẩm; Nghiên cứu xây dựng luật độc lập về chế định Hội thẩm.
                                                                                          P.V
.