Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật
Thứ Hai, 07/03/2022, 14:44 [GMT+7]
Sáng 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật để xem xét 5 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là cuộc họp chuyên đề thứ 3 về xây dựng và hoàn thiện thể chế. 2 phiên họp trước, Chính phủ đã hoàn thành 16 dự án Luật để trình Quốc hội trong năm 2022 và 2023, đồng thời điều chỉnh chương trình làm việc của Chính phủ cho phù hợp công việc có tính trọng tâm, trọng điểm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ trình; vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì tập trung xây dựng các Nghị định, Nghị quyết.
Quang cảnh phiên họp |
Tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận 5 dự án Luật và 1 Nghị quyết. Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện do Bộ Thông tin và Truyền thông trình; Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở do Bộ Công an trình; Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an trình; Dự án Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải trình; Chính phủ cũng nghe Bộ Công an trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tại phiên họp, các cơ quan xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết cho biết, trong quá trình xây dựng pháp luật đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tranh thủ ý kiến nhiều chiều của các nhà quản lý, nhà khoa học và thông tin rộng rãi đến công chúng.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận về trình tự, thủ tục; những điểm nghẽn, bất cập mà các luật cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật; đối tượng, tác động từ các quy định của các pháp luật này; tính khả thi... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong quá trình xây dựng pháp luật, nếu thấy vấn đề nào còn vướng mắc thì phải bổ sung để giải quyết; vấn đề gì mới phát sinh thì tiếp tục cập nhật; những vấn đề, nội dung đã có nhưng lạc hậu với tình hình thì phải chỉnh sửa. Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực vào phát triển. Pháp luật phải bao quát được tất cả các đối tượng mà luật điều chỉnh. Lưu ý phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực; giảm được thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền bảo đảm việc thực hiện pháp luật có hiệu quả nhất.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành chủ trì, chịu trách nhiệm chỉ đạo, thúc đẩy xây dựng pháp luật bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng; đầu tư công sức, trí tuệ hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan chủ trì xây dựng các dự án luật, nghị quyết để hoàn thiện bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng.
Lê Sơn