Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về cải cách hành chính nhà nước
Thứ Sáu, 19/03/2021, 10:46 [GMT+7]
Chiều 18/3/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2021-2030, do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức.
Cùng dự, có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác CCHC đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh Trần Hải) |
Tóm tắt một số kết quả nổi bật về CCHC, Thủ tướng nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, DN, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC). Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như: Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật DN… Chính phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…
Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và DN vẫn còn. Còn sự chậm trễ, “đá bóng qua lại” giữa các cơ quan. Vẫn còn những hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ khi làm các thủ tục. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh.
Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn. Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại thế nào nhưng vẫn hướng về người dân và DN, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật cố gắng có hai nghị định là nhiều nhất, một nghị định có không quá một thông tư và ban hành một văn bản thì phải hủy văn bản cũ; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.
Những thể chế này tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế-xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan người dân, DN.
Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, “không phải việc gì các bộ, ngành cũng ôm hết”, khiến bộ máy phình ra. Cần xem lại mô hình tổng cục hiện nay.
Chúng ta có 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với hàng triệu biên chế, Thủ tướng yêu cầu, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, đơn vị tự chủ. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
* Nhân hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHCNN giai đoạn 2011-2020.
Công tác cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được kết quả quan trọng, có những chuyên biến mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV - Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11-2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776 trong số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền .
Thanh Giang
(Báo Nhân Dân)