Người chỉ đạo xử lý những đại án bằng 'bàn tay sạch'

Chủ Nhật, 21/02/2021, 07:03 [GMT+7]
    Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương tên thân mật là ông Hai Nghĩa, đã trút hơi thở cuối cùng vì bạo bệnh vào lúc 3h52 ngày 19-2 tại quê nhà Bến Tre, hưởng thọ 79 tuổi, để lại tình cảm tiếc thương đối với đồng đội, đồng bào.
 
    Sinh năm 1942 tại vùng quê cách mạng huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, tự thuở thiếu thời, Trương Vĩnh Trọng đã bí mật tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên phản đối chế độ Ngô Đình Diệm. 
 
    Hơn 20 tuổi, ông thoát ly gia đình để đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đặt dấu chân tuổi trẻ của mình tại nhiều nơi thuộc Tây Nam Bộ.
 
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng chăm sóc vườn rau ở quê nhà năm 2018 ( Ảnh: HỮU VINH)
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng chăm sóc vườn rau ở quê nhà năm 2018 ( Ảnh: HỮU VINH)
    Người là thầy, là anh, là bạn
 
    Từ nhân dân sinh ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Trương Vĩnh Trọng - Hai Nghĩa từng bước trưởng thành, từng giữ chức bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trước khi được "rút" ra Trung ương làm trưởng Ban Nội chính Trung ương (từ năm 2001), rồi "vào" Bộ Chính trị, làm phó thủ tướng từ năm 2006.
 
    "Thương lắm. Lẽ ra anh phải sống thêm để vui thú ruộng vườn ngay tại nơi anh được chôn nhau cắt rốn, không ngờ bạo bệnh đã đưa anh đi sớm. Tôi nhớ tới anh trước hết là nhớ tới một thủ trưởng gần gũi, nghĩa tình, một người lãnh đạo với tính cách Nam Bộ thứ thiệt; nhớ những tháng ngày làm việc say sưa, vô tư vì cái chung, vì sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước trong một thời điểm đặc biệt" - nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng, "phó tướng" của ông Trương Vĩnh Trọng, xúc động tâm sự.
 
    "Điểm nổi bật của anh Hai Nghĩa là một con người biết lắng nghe. Khi đương chức, anh luôn lưu ý chúng tôi rằng không được bỏ sót một ý kiến nào của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của nhân dân đối với công việc của đơn vị mình, của ngành mình" - ông Hưng nhớ lại.
 
    Hết quan hoàn hưu, từ năm 2011 ông Hai Nghĩa trở lại Giồng Trôm quê nhà để làm một nông dân chân lấm tay bùn. "Về quê, ông trồng bưởi, trồng rau, nuôi gia cầm... Khu nhà ông ở đơn sơ, bếp rất rộng, để mỗi lần có khách ghé thăm là bà làm mồi nhậu từ chính những cây trồng vật nuôi trong vườn để đãi khách, với món bánh xèo và cơm cháy đã mang thương hiệu bà xã anh Hai Nghĩa" - ông Nguyễn Thế Bình, nguyên vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, kể lại.
 
    Chỉ đạo xử lý những đại án "nổi đình nổi đám"
 
    Những người quan tâm đến sự nghiệp cải cách tư pháp đều biết đến nghị quyết số 08 năm 2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" và nghị quyết số 49 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Cả hai nghị quyết quan trọng này đều có vai trò tham mưu của Ban Nội chính Trung ương do ông Trương Vĩnh Trọng đứng đầu.
 
    Theo ông Hưng, bây giờ đề cập đến các vấn đề như bảo đảm quyền tranh tụng tại tòa, vai trò của luật sư, của các bị can, bị cáo thì nghe có vẻ bình thường, nhưng thời điểm đầu những năm 2000 đặt ra những vấn đề như vậy không phải là đơn giản bởi "vấp" phải các quan điểm rất khác nhau.
 
    Với các vụ án lớn cũng vậy, nhắc tới nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là nhắc tới người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết những đại án "nổi đình nổi đám" thời đó như vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18, vụ tham ô tại Công ty Cho thuê tài chính II (hay còn gọi là vụ Vũ Quốc Hảo)... 
 
    "Đó là những vụ lớn và rất phức tạp. Tôi nhớ như vụ Công ty Cho thuê tài chính II, lúc ấy có ý kiến nói rằng thôi trước Đại hội Đảng tạm gác lại vì sợ ảnh hưởng đến chính trị, đến dư luận, anh Hai Nghĩa nói rằng càng gần đại hội lại càng phải xử lý công bằng, kiên quyết, làm trong sạch bộ máy" - ông Bình hồi tưởng.
 
    Các cộng sự của ông Hai Nghĩa đều chung nhận xét rằng sở dĩ ông được tôn trọng, nể phục, bởi trước hết ông là người có "bàn tay sạch". Ông là tấm gương về sự liêm khiết, trong sáng, hết lòng vì công việc.
 
    "Ngày mai tôi sẽ về Bến Tre để thắp nén nhang tiễn biệt ông, người ra đi nhưng tấm gương còn lại, cho chúng ta soi vào để sống tốt hơn" - ông Bình xúc động.
 
    Làm cho "đâu vào đấy" chứ không phải "đâu vẫn đấy"
 
    Nếu so sánh tuổi đời thì tôi phải gọi là chú Hai, nhưng lâu nay đã quen gọi là anh Hai rồi. Nhưng nếu nhìn lại cả quãng đời cống hiến và nhân cách của chú Trương Vĩnh Trọng - người từng là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, rồi đảm nhiệm các trọng trách cao hơn của Đảng và Nhà nước, xin được gọi là ông Hai.
 
    Ông về đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Đảng bộ Đồng Tháp ngay bắt đầu mùa lũ lịch sử năm 2000. Ông Hai thực sự đã chèo lái con thuyền Đồng Tháp trước sóng to, lũ lớn ngoài thiên nhiên và từ trong nội bộ. Tuy không được gần gũi nhiều nhưng tôi vẫn cảm nhận được một nhân cách lớn từ một người lãnh đạo luôn gần gũi, bình dị, vừa nghiêm khắc bên ngoài nhưng bên trong vẫn đầy tình yêu thương những người xung quanh mà không phân biệt tuổi tác, chức vụ. Ông niềm nở, chân tình từ những cán bộ lãnh đạo về hưu cho đến những người phục vụ hằng ngày.
 
    Ông thường nhắc nhở cán bộ, phải làm cho "đâu vào đấy" chứ không phải làm rồi "đâu vẫn đấy". Ông còn căn dặn, đừng phát biểu kiểu đao to búa lớn mà hãy bắt đầu làm cho tốt từng việc nhỏ. Những lời chỉ bảo gần gũi, đời thường, nhẹ nhàng đúng phong cách một người Nam Bộ, người của quê hương Đồng khởi, đã theo tôi và lớp cán bộ kế thừa suốt hành trình tạo dựng hình ảnh Đất Sen hồng. Và chính ông là người đã đắp nền, vun bồi cho mảnh đất và con người Đất Sen hồng hôm nay!
 
Lê Minh Hoan
(Thứ trưởng Bộ NN&PTNT)
.