Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 27
Thứ Sáu, 17/04/2020, 11:55 [GMT+7]
Ngày 16/4, tại Trung tâm Điều hành Quốc hội điện tử, Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp trực tuyến Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật để thẩm tra các nội dung theo thẩm quyền.
Tại Phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Trình bày Tờ trình này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Trước mắt, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị quyết để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh phạm vi sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); bổ sung vào chương trình dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và 5 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua; lùi thời gian trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Quang cảnh Phiên họp |
Đối với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình 7 dự án luật, trong đó có 2 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; 5 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Trong đó, có dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được lùi từ Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV chuyển sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Bên cạnh đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị bổ sung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Mười, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV. Đồng thời, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 dự án Luật về dịch vụ công; đưa thêm 5 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc đưa 7 dự án luật vào Chương trình, trong đó có 2 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; 5 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội về việc sắp xếp để trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Mười một (muộn hơn một kỳ họp so với Chính phủ đề nghị); trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (muộn hơn một kỳ so với Chính phủ đề nghị).
Các đại biểu tham dự phiên họp cơ bản tán thành với ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật đối với Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sau khi được Quốc hội thông qua cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp, chất lượng không bảo đảm phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Bắc Văn