Quyết liệt ngăn chặn nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Thứ Ba, 24/03/2020, 15:40 [GMT+7]
Theo Thanh tra Chính phủ, thời gian tới sẽ tổ chức sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc… Đây là nội dung rất quan trọng không chỉ đối với Thanh tra Chính phủ mà cần được các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thời gian qua, từ quyết tâm mạnh mẽ cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy của Đảng, Chính phủ, mà tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức được nâng lên, nhất là giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp đã bước đầu có kết quả tích cực.
Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp |
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vấn đề làm chưa tốt, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Đã có những doanh nghiệp bị nhũng nhiễu nhưng phải chịu đựng để “được việc của mình”, đã có những người dân bị gây khó dễ, không được giải thích đầy đủ, không được tư vấn cụ thể khi gặp vướng mắc ở nơi làm các thủ tục hành chính, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng không giải quyết được nếu không có quen biết, “bôi trơn”… Thực trạng nêu trên không mới, và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cương quyết xử lý, dẹp bỏ.
Trong một năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, rất nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Mục tiêu cao nhất hướng tới là tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu quan trọng này, để cải cách hành chính thật sự thành công, chúng ta không chỉ cần những chủ trương được ban hành bằng văn bản mà rất cần những hành động, việc làm cụ thể. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần chú trọng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống nhũng nhiễu. Người đứng đầu nghiêm túc, quyết liệt thực hiện công việc thì cả bộ máy sẽ hành động theo và ngược lại. Bên cạnh đó, cần mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần sẵn sàng phục vụ, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Từ thực tế công việc hằng ngày, cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng, nhũng nhiễu theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển hợp lý; kiên quyết chỉ ra và có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp. Một nội dung quan trọng khác là tiếp tục khẩn trương rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính.
Những năm qua, đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là những nội dung cần được thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả thực chất hơn và phạm vi rộng hơn nữa. Các địa phương, sở, ngành cần mở rộng việc công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi “tham nhũng vặt”; cần công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử đến các địa phương…
Một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện nghiêm túc là giám sát, thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Các đoàn thanh tra phải hoạt động nghiêm minh, không bao che, không né tránh, không nể nang để hoàn thành nhiệm vụ, không hình thức. Bên cạnh đó, cần khen thưởng, động viên những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích, việc làm tốt; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu và xử lý hình sự đối với hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật…
Song Linh
(Báo Nhân Dân)