Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Thứ Ba, 24/12/2019, 07:37 [GMT+7]
Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt; đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị |
Qua tổng kết cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Năm 2017, số vụ việc vi phạm hành chính bị phát hiện là 8.398.944 vụ, giảm 14,6% so với kỳ báo cáo năm 2016; tổng số đối tượng bị xử phạt là 7.791.015 đối tượng, giảm 20%. Năm 2018, tổng số vụ việc vi phạm bị phát hiện là 6.623.670 vụ, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số đối tượng bị xử phạt là 6.544.491 đối tượng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Nhờ việc triển khai tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.804/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 79%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 15 năm triển khai Chỉ thị 32 trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết; để đúc rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được chú trọng. Nguồn nhân lực thực hiện ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Việc định hướng nội dung phổ biến giáo dục pháp luật đôi lúc chưa sát với thực tiễn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Việc tổng kết, đánh giá 15 năm Chỉ thị số 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả tổng kết Chỉ thị số 32 sẽ góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Cùng với việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; đảm bảo các nguồn lực cần thiết để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung tuyên tuyền, phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản, chính sách mới trong phạm vi quản lý. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật phải bám sát nhu cầu thực tiễn xã hội và tập trung giải quyết những vấn đề nóng thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý. Các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành có liên quan trong xây dựng, triển khai các chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng giáp biên, bảo đảm an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển đảo. Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát các quy định về ngân sách dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để từ đó có giải pháp, hướng dẫn cụ thể về bố trí kinh phí đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc.
Lê Sơn