Hòa Bình: Quy định về tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy

Thứ Tư, 25/03/2020, 17:45 [GMT+7]
    Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Quy định số 45-QĐ/TU về tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn phải đảm bảo khoa học, khách quan, chính xác, kịp thời, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. 
 
    Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao xử lý đơn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, phân loại xử lý tập trung về một đầu mối và phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền xử lý, giải quyết đơn chịu trách nhiệm về việc lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả xử lý giải quyết và thời hạn xử lý, giải quyết đơn theo quy định; nghiêm cấm mọi hình thức để lộ lọt thông tin về người tố cáo, kiến nghị, phản ánh; về những người có liên quan đến nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cũng như nội dung tố cáo, kiến nghị phản ánh đến người không có trách nhiệm biết; mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
Một buổi tiếp công dân của UBND tỉnh Hòa Bình
Một buổi tiếp công dân của UBND tỉnh Hòa Bình
    Đơn được gửi đến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy từ các nguồn sau: Đơn gửi theo đường dịch vụ bưu chính; đơn nhận trực tiếp từ cá nhân, tổ chức; đơn nhận qua công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh. Đối với đơn gửi qua dịch vụ bưu chính và nhận trực tiếp từ cá nhân, tổ chức: Thường trực Tỉnh ủy nắm tình hình, nội dung đơn và giao Văn phòng Tỉnh ủy đóng dấu đến, ghi sổ, vào sổ theo dõi hoặc cập nhật đầy đủ trên dữ liệu máy tính theo thứ tự và ngày, tháng, năm đến ghi trên đơn; họ tên, địa chỉ cá nhân, tổ chức gửi đơn và chuyển Ban Nội chính Tỉnh ủy để tham mưu xử lý theo quy định hoặc chuyển cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết.  Đối với đơn nhận qua công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh: Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm tiếp nhận vào sổ theo dõi hoặc cập nhật đầy đủ trên dữ liệu máy tính theo thứ tự và ngày, tháng, năm đến ghi trên đơn; họ tên, địa chỉ cá nhân, tổ chức gửi đơn.
 
    Cụ thể, việc xử lý đơn thực hiện theo đúng quy định, quy trình tại chương III, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.  Sau khi phân loại đơn, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành xác minh, tham mưu xử lý đảm bảo theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phải trả lời công dân theo quy định, nội dung trả lời đầy đủ các nội dung theo đơn, nêu rõ có giải quyết hay không giải quyết, lý do và các căn cứ theo quy định.  Nội dung tham mưu nêu rõ việc xác minh, quá trình giải quyết của các cơ quan đơn vị và quan điểm đề xuất, tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy nêu rõ căn cứ, quy định tham mưu, đề xuất để Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo quy định.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn; theo dõi, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao giải quyết đơn. Các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; các đảng đoàn, ban cán sự đảng; các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc tham mưu, đề xuất; cung cấp thông tin; xử lý đơn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; việc phối hợp đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và của Nhà nước; đề cao trách nhiệm, chủ động, tích cực, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, giải quyết kịp thời có hiệu quả vụ việc xảy ra; tránh đùn đẩy trách nhiệm, bỏ trống nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì giải quyết và cơ quan phối hợp giải quyết.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý và xem xét giải quyết đơn; tham mưu, đề xuất để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo giải quyết đơn và xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác xử lý đơn và Quy định này.
 
    Định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Ban Nội chính Tỉnh ủy rà soát, tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kết quả xử lý đơn, những đơn tồn đọng, kéo dài, phức tạp, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý và tham mưu, đề xuất phương án xử lý để Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Các cơ quan, tổ chức đơn vị, cá nhân được giao xử lý đơn có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời công dân theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật về tố cáo, khiếu nại; đồng thời, gửi kết quả về Thường trực Tỉnh ủy qua Ban Nội chính Tỉnh ủy để lãnh đạo xử lý theo quy định.
Đoàn Cần
319
.