Hệ thống pháp luật đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 10/11/2020, 06:49 [GMT+7]
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nhận được một số câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực tư pháp tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
 
    Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tính ổn định của hệ thống pháp luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đây là cố gắng rất lớn của chúng ta và theo đánh giá chung của dư luận, nhân dân, các cơ quan thì hệ thống pháp luật đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
    Theo thống kê của Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua và quá trình thực hiện Nghị quyết 48, 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật thì tuổi thọ trung bình của một đạo luật là trên 10 năm. 5 năm thường sửa đổi, bổ sung một số điều và 10 năm thì sửa đổi, bổ sung tổng thể. Trong đó, có một số luật có tuổi thọ dưới 5 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề chưa kịp cập nhật như Luật Đầu tư công, Luật Tố tụng hành chính. “Đó là một thực trạng về tuổi thọ trung bình của một đạo luật trong bối cảnh đất nước đang phát triển, phát sinh nhiều nhu cầu”, Bộ trưởng Long cho hay.
 
    Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh, hệ thống pháp luật ổn định, ít phải sửa đổi vẫn là mong muốn của chúng ta. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đã và đang thực hiện như: tổng kết các Nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 48, 49 sẽ đề xuất ban hành một Nghị quyết chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Bộ trưởng mong muốn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát và công luận cũng nêu ý kiến chỉ ra điểm yếu để khắc phục, hoàn thiện.
 
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về triển khai các luật để thực hiện Hiến pháp theo Nghị quyết của Quốc hội tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng cho biết, năm 2013 khi thông qua Hiến pháp, Quốc hội đồng thời cũng thông qua một nghị quyết về triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó có yêu cầu về xây dựng và ban hành các văn bản luật, nghị quyết có liên quan. Trong danh sách này, có trên 70 các văn bản nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải soạn thảo để ban hành.
 
    Bộ trưởng cho biết, danh sách này là danh mục kèm theo Nghị quyết để cho các cơ quan, đặc biệt là của các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu đề xuất. Còn việc có đề nghị, đề xuất về xây dựng luật hay không và quá trình ban hành như thế nào, trình Quốc hội xem xét thông qua thì phải thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua rà soát của Bộ Tư pháp thì còn lại 20 văn bản làm chưa xong. Kỳ họp 10, Quốc hội sẽ xem xét 2 đề xuất: Một là dự án về Luật Thỏa thuận quốc tế; Hai là nghị quyết của Quốc hội về tham gia gìn giữ hòa bình. Có 8/18 dự án luật thì các cơ quan đề xuất không xây dựng và cũng có những luật theo Bộ trưởng là chưa khả thi như Luật Tiền lương tối thiểu.
 
    Bên cạnh đó, có một số luật đã đưa vào hoặc đã trình nhưng chưa thành công. Ví dụ như Luật về hội chưa đạt được sự đồng thuận, mặc dù đã chuẩn bị gối tiếp 2 nhiệm kỳ. Có một số các dự án luật đang được nghiên cứu để đề xuất đưa vào chương trình, như Luật về hàm cấp ngoại giao, Luật về công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, với 10 dự án luật còn lại thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, hiện các bộ, ngành đang nghiên cứu. Sắp tới, sẽ có những dự án luật đề xuất để bổ sung vào chương trình 2021. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp đã báo cáo một số lần với Quốc hội, đặc biệt là trong quá trình lập và đề xuất các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trong Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp vừa qua cũng có những văn bản luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua, mà trong nội dung đã “đan xen” được ở mức độ này hay mức độ khác vào những dự án luật này.
 
    Trên tinh thần đó, người đứng đầu Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, các ngành đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể về từng dự án luật; có ý kiến trả lời dứt khoát là có trình hay không trình và lý do vì sao. Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Quốc hội xem xét để “chốt” danh sách các văn bản luật, nghị quyết thi hành Hiến pháp sau 7 năm triển khai Hiến pháp. 
          Hoàng Thư
 
.