Tham nhũng và COVID-19: Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Thứ Bảy, 20/02/2021, 06:31 [GMT+7]
Tính đến hết năm 2020, bước sang đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 88 triệu ca mắc, trên 1,9 triệu người chết (số liệu cập nhật ngày 8/1/2021). Và, trục lợi, tham nhũng trong khủng hoảng cũng đã có mặt ở hàng trăm quốc gia, tại cả những nơi nghèo khó, dễ bị tổn thương nhất.
Tại Colombia, đất nước ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mắc COVID-19 (cao thứ 11 trên thế giới), CƠN ĐÓI của dân nghèo đã thành BỮA TIỆC của kẻ tham nhũng ngay khi dịch bệnh mới kéo tới được ít ngày. Các nhà chức trách địa phương mua cá ngừ đóng hộp với giá 5 USD/hộp để phát cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong khi bình thường, nó chỉ có giá khoảng 1,5 USD.
Tình trạng khan hiếm máy trợ thở làm tăng nguy cơ tham nhũng tại châu Âu |
Tại Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng do dịch bệnh nặng nề hiện đứng thứ 3 trên thế giới, một lượng lớn quỹ khẩn cấp của Chính phủ để chống lại đại dịch COVID-19 bị biển thủ. Mức độ tham nhũng tại quốc gia này bị cho là “quá sức tưởng tượng”. Khi các nhà chức trách đổ xô mua máy thở, giường chăm sóc đặc biệt, khẩu trang và thuốc rửa tay, Quốc hội nước này đã thông qua một dự luật vào tháng 4 cho phép tất cả các cấp chính quyền mua hàng khẩn cấp mà không cần thông qua đấu thầu hoặc các quy trình thông thường. Bởi thế, máy thở đã được mua với mức giá cao vô lý từ một… cửa hàng rượu ở bang Amazonas hay nhiều bệnh viện dã chiến tại Rio de Janeiro được xây dựng nhưng chưa bao giờ được mở cửa…
Tại Nam Phi (đứng thứ 16 về số ca mắc), những nỗ lực ứng phó với COVID-19 đã bị ăn mòn bởi các cáo buộc tham nhũng. Bởi thế, dù được xem là quốc gia có kịch bản chuẩn bị tốt nhất ứng phó với COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi cận Sahara, nhưng vấn nạn tham nhũng tràn lan tồn tại suốt nhiều năm nay đã làm suy yếu các cơ quan, bao gồm cả hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nơi đây.
Tổng thống Cyril Ramaphosa thừa nhận, thực phẩm cho người nghèo, trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và trợ cấp cho những người bị mất việc bởi đại dịch đều đã bị tham nhũng ghé thăm.
Tại châu Á, 74% số người được hỏi thừa nhận tham nhũng là một vấn đề lớn trong đại dịch, theo khảo sát gần đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).
Hoài Phương