Serbia: COVID-19 làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng

Thứ Năm, 25/02/2021, 15:35 [GMT+7]
    Năm 2020, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Serbia đạt mức thấp nhất trong 8 năm và hiện thấp hơn mức trung bình toàn cầu hơn 5 điểm. Vì sao quốc gia này không đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng?
 
    Mặc dù chỉ giảm 1 điểm vào năm 2020, nhưng điểm số 38/100 của Serbia (trong đó 0 là mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch) là điểm số thấp nhất kể từ năm 2012.
 
    Trong khi, hồi năm 2013, cuộc chiến chống tham nhũng tại đây có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Giữa sự bất bình rộng rãi của công chúng về vấn nạn tham nhũng, Chính phủ Serbia khi đó đã công khai tuyên bố làm trong sạch bộ máy và đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng. Đây là một cách tiếp cận "không khoan nhượng" mới được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo của quốc gia - những người lên nắm quyền dựa trên lời hứa chống tham nhũng mạnh mẽ.
 
COVID-19 làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng tại Serbia
COVID-19 làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng tại Serbia
    Chính phủ cũng đã có những khuyến khích và nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế để cải thiện các nỗ lực chống tham nhũng của mình. Đặc biệt, những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này là tiền đề quan trọng để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và sự hội nhập của Serbia vào các thể chế của EU.
 
    Đa số công dân Serbia ủng hộ việc giải quyết tham nhũng và gia nhập EU, vì vậy, giải quyết tham nhũng như một ưu tiên mang ý nghĩa chính trị của Chính phủ .
 
    Tuy nhiên, các kế hoạch chống tham nhũng của Chính phủ được đưa ra với nhiều kỳ vọng đã đem lại không ít... thất vọng. Nhất là khi các vụ án tham nhũng cấp cao vẫn không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Và, tham nhũng lại góp phần tạo ra những thách thức đối với Nhà nước pháp quyền, làm xói mòn các chuẩn mực dân chủ...
 
    Theo Tổ chức Minh bạch Serbia, cơ quan công tố được cho là "nhắm mắt làm ngơ" trước một số trường hợp tham nhũng tiềm tàng của các nhà lãnh đạo chính trị đương chức và các đối tác kinh doanh của họ. Những sự việc này được các phương tiện truyền thông độc lập, các tổ chức xã hội dân sự và phe đối lập đưa tin.
 
    Tương tự, các nhà chức trách cũng thất bại trong việc điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với các lãnh đạo chính trị trước đó. Những tuyên bố này liên tục được đưa ra bởi các quan chức Nhà nước và các phương tiện truyền thông của Chính phủ.
 
    Gần đây, Chánh án Tòa án Tối cao Belgrade (người phụ trách các vụ án tham nhũng cấp cao) tuyên bố rằng, các công tố viên đã không đưa ra một bản cáo trạng nào chống lại các bộ trưởng hoặc giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước bị cáo buộc tham nhũng.
 
    Tuyên bố này nhằm mục đích yêu cầu một phản ứng từ phía công tố viên Nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự lên tiếng của lãnh đạo Tòa Tối cao, cơ quan công tố chỉ đưa ra số liệu thống kê tổng thể về các vụ án, hầu hết đề cập đến những vụ án tham nhũng vặt được giải quyết thông qua thỏa thuận. Sự miễn trừ dẫn tới những người bị cáo buộc có liên quan đến tham nhũng cấp cao không được xử lý nghiêm.
 
    Cũng theo Tổ chức Minh bạch Serbia, có rất nhiều dẫn chứng cho thấy Chính phủ đã không thực hiện được lời hứa với cả công dân của mình và với EU - bao gồm cải thiện các quy định tài chính chiến dịch, thực hiện quyền truy cập thông tin hoặc chuyên nghiệp hóa công tác quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước...
 
    Việc không đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Serbia càng thấy rõ hơn khi nhìn vào kết quả của những cải cách đã được thực hiện. Luật Bảo vệ người tố cáo năm 2014 vốn được ca ngợi, đã không dẫn đến việc gia tăng các báo cáo về tham nhũng.
 
    Đáng chú ý, trong vụ tố cáo nổi bật nhất về hành vi lạm dụng ở Nhà máy sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước, Krusik, những thủ phạm bị cáo buộc vẫn không bị điều tra và người tố giác đã bị đe dọa điều tra hình sự.
 
    Cũng liên quan đến công tác cải cách, năm 2012, đảng cầm quyền đã thông qua Luật Mua sắm công với các điều khoản chống tham nhũng mạnh mẽ. Song, kết quả của việc thực hiện lại rất kém. Chính phủ đã tăng cường thực hiện hợp đồng trực tiếp, không cạnh tranh và không minh bạch đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, sử dụng các hiệp định liên bang hoặc “luật đặc biệt” làm cơ sở pháp lý.
 
    Trong khi đó, cơ chế giải trình đã dần bị yếu đi trong những năm qua. Các cơ quan giám sát độc lập không thuộc quyền kiểm soát của đảng cầm quyền đều bị các nghị sĩ phớt lờ hoặc chỉ trích nặng nề. Các phương tiện truyền thông và tổ chức xã hội dân sự độc lập kêu gọi trách nhiệm giải trình cao hơn được coi là đối lập chính trị...
 
    Như một đòn "chí tử", cuộc khủng hoảng Covid-19 làm cho những xu hướng này trở nên tồi tệ hơn. Theo Tổ chức Minh bạch Serbia, trong khi chính phủ các nước nỗ lực tăng cường tính minh bạch và giám sát bảo vệ trong đại dịch, thì tại Serbia, hầu hết thông tin về việc mua sắm thiết bị y tế đều được coi là “bí mật quốc gia”.
 
    Niềm tin bị xói mòn, sự bức xúc của người dân tăng lên dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 7 vừa qua, phản đối các chính sách của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Tổng thống Aleksandar Vucic từ chức.
 
    Nhiều người chỉ trích quyết định của Chính phủ cho phép các hoạt động tụ tập đông người như thể thao, lễ hội và sự kiện trong tháng 5/2020 cũng như tiến hành bầu cử Quốc hội ngày 21/6. Họ cho rằng, Chính phủ đã coi nhẹ tình hình dịch bệnh, tiến hành bầu cử theo kế hoạch và qua đó củng cố quyền lực, điều này đã khiến dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
 
    Những điều này đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm, nhưng đại dịch cũng đã phơi bày sự yếu kém trong chống tham nhũng của hệ thống quản trị Serbia - nơi đang thực sự cần những cải cách mạnh mẽ và trách nhiệm giải trình cao hơn.
                                                                                   Hoài Phương
                                                                                 (Báo Thanh tra)
.