Sự tác động lẫn nhau giữa sự ổn định, an ninh và tham nhũng
Thứ Sáu, 27/03/2020, 06:49 [GMT+7]
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa tổ chức Hội nghị An ninh Munich 2020, bàn về sự tác động lẫn nhau giữa sự ổn định, an ninh và tham nhũng, tập trung cụ thể vào tầm quan trọng của cách thức quản trị tốt trong khu vực quốc phòng. Quản trị tốt hay không phụ thuộc vào sự minh bạch, trách nhiệm và liêm chính.
Theo Peter Conze, đồng sáng lập TI và Cố vấn cao cấp về Chính sách Quốc phòng và An ninh của Tổ chức Minh bạch Đức, công tác quản trị trong khu vực quốc phòng có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi nếu thất bại, an ninh quốc gia sẽ gặp nguy. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, khu vực quốc phòng vẫn thiếu những tiêu chuẩn quản trị cơ bản vốn được phổ biến trong các lĩnh vực công khác.
Các đại biểu dự Hội nghị An ninh Munich 2020 |
Mục tiêu của TI là làm nổi bật sự cần thiết của các chương trình cải cách phù hợp; chìa khóa để tháo gỡ vấn đề là các cơ chế giám sát và công cụ phân tích độc lập, qua đó hỗ trợ hành động chống tham nhũng. Chỉ số Liêm chính Quốc phòng của Chính phủ được công bố bởi Tổ chức Quốc phòng và An ninh TI (TI-DS) là một ví dụ.
Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, trong đó có sự tham gia của 2 chính trị gia giàu kinh nghiệm đã có nhiều nỗ lực cải cách an ninh, quốc phòng ở các quốc gia, đó là: Andriy Zagorodnyuk, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, và Tiến sỹ Hamdullah Mohib, Cố vấn an ninh quốc gia của Afghanistan. Họ được giới thiệu bởi 2 nhà hoạt động chống tham nhũng hàng đầu là Steve Francis - Giám đốc TI-DS, và John Sopko - Tổng Thanh tra Đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR).
2 chính trị gia đã mô tả hậu quả của tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng khi nó ảnh hưởng trực tiếp tới đất nước họ. Cả 2 đều đồng ý rằng, tham nhũng không chỉ dẫn tới hoạt động của lực lượng quốc phòng, an ninh và cảnh sát kém hiệu quả, thậm chí không hiệu quả, mà nghiêm trọng hơn, nó làm mất sự tín nhiệm, xói mòn niềm tin của người dân vào Nhà nước, đặc biệt là khi Nhà nước bị cho là không thể cung cấp một trong những dịch vụ thiết yếu nhất - là bảo đảm an ninh cơ bản cho công dân.
Steve Francis - Giám đốc TI-DS giới thiệu về Chỉ số Liêm chính Quốc phòng của Chính phủ. Điểm đáng chú ý của Chỉ số này là cung cấp một đánh giá đáng tin cậy về các tiêu chuẩn quản trị và rủi ro tham nhũng trong khu vực quốc phòng của khoảng 90 quốc gia trên toàn thế giới.
Hiện nay, Chỉ số đang được công bố theo khu vực. Kết quả cho phép so sánh giữa các quốc gia, nhưng quan trọng hơn, nó cung cấp cho Chính phủ các nước và các tổ chức xã hội dân sự, cơ quan giám sát, các nhà tài trợ và công ty thương mại một cái nhìn toàn diện về mức độ rủi ro có thể xảy ra.
P.V