Kiểm toán Nhà nước tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Chủ Nhật, 12/06/2022, 07:17 [GMT+7]
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 10-Kl/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí (từ tháng 01/2017 đến tháng 6/2021), ngành Kiểm toán Nhà nước đã đạt một số kết quả quan trọng(1). Cụ thể là:
Một là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Ban cán sự đảng đã phối hợp Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 10- KL/TW, cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của Ban cán sự, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong toàn Đảng bộ, trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh PCTN, lãng phí ngay trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước cũng như trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn ngừa, phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên, liên tục quán triệt để phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, của đảng viên.
Hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước |
Các giải pháp đột phá đã được Ban cán sự đảng lãnh đạo thực hiện như: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức; đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động kiểm toán, thực hiện kiểm tra, giám sát đối với đảng viên và xử lý khi có dấu hiệu vi phạm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Thanh tra, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; đổi mới công tác sinh hoạt Đảng định kỳ, nhất là đối với các chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán, coi đây là tiêu chí để nhận xét, đánh giá cấp ủy, đảng viên hàng năm; thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm làm nghiêm túc từ trong Đảng, chính quyền tới các tổ chức đoàn thể và từ cán bộ lãnh đạo, đảng viên đến công chức, viên chức; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể vận động quần chúng tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hai là: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu trong PCTN, lãng phí: Đảng ủy và các cấp ủy trực thuộc luôn phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Hằng năm, Đảng ủy xây dựng và ban hành hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ, đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc nghiêm túc tổ chức thực hiện kiểm điểm, đánh giá theo đúng quy định...
Hoạt động này có tác dụng cảnh báo và góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhất là trong hoạt động kiểm toán; tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, đưa tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên trong Đảng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Đảng bộ đã chú trọng việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, đổi mới lề lối, tác phong làm việc; giữ gìn đạo đức, lối sống.
- Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ, đảng viên làm công tác PCTN; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí: Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước thường xuyên chỉ đạo cấp ủy các đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực tăng cường, đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý để nâng cao chất lượng kiểm toán, nhất là công tác lập kế hoạch và kiểm soát chất lượng kiểm toán; tăng cường kỷ luật trong hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán và kiểm soát thông tin, kết quả kiểm toán; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là vai trò của thủ trưởng đơn vị ở từng cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đồng thời, xem xét trách nhiệm liên đới đối với Trưởng Đoàn kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị; tăng cường phát hiện và kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng sang Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, hiệu quả phối hợp các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Trong 5 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chất lượng và quy mô đào tạo, bồi dưỡng. Kiểm toán Nhà nước tổ chức hàng năm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, hướng đến nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.
- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ: Hàng năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong năm và niêm yết công khai theo quy định; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc báo cáo kết quả kê khai, xác minh, kết luận, công khai kết quả xác minh tài sản và thu nhập. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước chưa phát hiện vi phạm nào đối với cán bộ, công chức về kê khai tài sản, thu nhập.
Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được tổ chức thực hiện một cách toàn diện, bảo đảm khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa việc chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan khác theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên; thực hiện nghiêm Quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; ban hành nhiều văn bản để triển khai cụ thể các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong hoạt động kiểm toán...
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: Hàng năm, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch đề ra. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc chấp hành Điều lệ Đảng; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; duy trì chế độ sinh hoạt Đảng; công tác quản lý, giáo dục đảng viên; những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm. Đảng ủy cũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, giám sát theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra(2).
Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp Đảng ủy, Ban cán sự đảng nắm chắc tình hình và kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân tiêu biểu; đồng thời, phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, chỉ đạo quyết liệt, cương quyết đấu tranh với những sai phạm, xử lý nghiêm, kịp thời những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, vi phạm đạo đức nghề nghiệp(3).
- Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Kiểm toán Nhà nước duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản có liên quan; ban hành kế hoạch hành động của Kiểm toán Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm; tổ chức triển khai kế hoạch trên tất cả các mặt công tác, như: Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; rà soát và ban hành các văn bản về định mức, chế độ chi tiêu, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công... bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, công năng sử dụng hiệu quả.
Ba là: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
- Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, ban hành hoặc trực tiếp bổ sung, sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền các văn bản về PCTN, lãng phí: Từ tháng 01/2017 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 61 văn bản quy phạm pháp luật và hàng trăm văn bản quản lý chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành hoạt động kiểm toán của toàn ngành có tác dụng PCTN, lãng phí trong hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 740 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia góp ý một số dự án, dự thảo văn bản quan trọng, có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
- Tình hình, kết quả phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý về tham nhũng, lãng phí; thu hồi tài sản chiếm đoạt, thất thoát; kiến nghị khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật qua công tác kiểm toán: Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (giai đoạn từ 01/01/2017-15/6/2021), như sau: Kiến nghị xử lý tài chính sau kiểm tra là 324.839 tỷ đồng; trong đó: Tăng thu ngân sách nhà nước 57.996 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 81.569 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 208.722 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. Trong kỳ báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; cung cấp 471 lượt hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đối với công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính: Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy định về theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhằm gắn trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán; nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán... Trong giai đoạn 2017-2020, số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện là 191.776,8 tỷ đồng (trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 29.763,2 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 43.487,6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 118.526 tỷ đồng). Tỷ lệ thực hiện kiến nghị (số thực hiện kiến nghị kiểm toán/số kiến nghị kiểm toán sau kiểm tra (loại trừ tương ứng số kiến nghị năm 2020) đạt 72,8%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán chưa được thường xuyên. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao còn chậm, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính chưa cao; việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh.
Để góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; đồng thời, khắc phục những hạn chế tồn tại, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tốt công tác PCTN, lãng phí trong thời gian tới.
- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước về công tác PCTN, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
- Nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của Kiểm toán Nhà nước. Tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020-2030 bảo đảm hiệu quả, sát với thực tế. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, các văn bản hướng dẫn Hệ thống Chuẩn mực của Kiểm toán Nhà nước, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng... để minh bạch hóa các hoạt động kiểm toán góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.
Ban hành quy định về cơ chế xử lý trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán nhằm nhận diện các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, lãng phí và đưa nội dung PCTN, lãng phí vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với kiểm toán viên; tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng; chủ động cung cấp, định hướng thông tin tuyên truyền về PCTN, lãng phí. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ, nhất là về tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức kiểm toán viên đúng quy định.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà đơn vị kiểm toán; “chung chi, bỏ lọt” kết quả kiểm toán; kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy.
- Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới hoạt động kiểm soát, thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm toán để ngăn ngừa các hành vi tham nhũng có thể xảy ra đặc biệt trong giai đoạn thực hiện kiểm toán. Tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; nâng cao nhận thức tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, giữ gìn đạo đức, tính liêm chính và hình ảnh của Kiểm toán viên nhà nước. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan, lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng... Phát huy vai trò, tránh nhiệm của người đứng đầu đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kiểm toán; duy trì công tác PCTN một cách thường xuyên, liên tục.
- Chủ động hơn nữa trong công tác PCTN, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt vai trò của bộ, ngành, địa phương trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm pháp luật phát hiện qua kiểm toán; xử lý nghiêm mọi đối tượng có hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại do tham nhũng. Tập trung kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan; chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; theo dõi và có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đôn đốc thực hiện dứt điểm các kiến nghị qua kiểm tra nhiều năm chưa thực hiện.
Tăng cường phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. Chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ kết quả, bằng chứng kiểm toán cho Cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm sát xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán của cơ quan nhằm hạn chế các hành vi tham nhũng; thực hiện nghiêm túc việc minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai. Tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, sử dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, thực hiện các chính sách, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đúng quy định.
Sử dụng cán bộ bảo đảm công tâm, khách quan, đánh giá đúng năng lực, sở trường và phẩm chất cán bộ, công chức, không cục bộ, hẹp hòi, định kiến; quan tâm bồi dưỡng, phát hiện và sử dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt giỏi về chuyên môn, năng động, sáng tạo trong công việc. Cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra các hành vi sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng. Thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định nhằm giảm thiểu tối đa việc tham nhũng, tiêu cực do thực hiện lâu năm tại một vị trí công tác.
Tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng đấu tranh PCTN, lãng phí theo Luật PCTN; tăng cường ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với bộ, ban, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán.
(1) Nguồn: Báo cáo số 64-BC/BCS, ngày 28/7/2021 của Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước. (2) Từ năm 2015-2019, cấp ủy các cấp, các chi bộ trong Đảng bộ đã tiến hành kiểm tra 224 lượt tổ chức đảng và 85 lượt đảng viên; tiến hành giám sát chuyên đề 116 lượt tổ chức đảng và 69 lượt đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 23 lượt tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; giám sát chuyên đề 22 lượt tổ chức đảng và 08 lượt đảng viên; kiểm tra 20 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí.
(3) Trong nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp, các chi bộ đảng trong Đảng bộ đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách 01 đảng viên vi phạm quy trình nghiệp vụ chuyên môn; cảnh cáo 01 đảng viên vi phạm về đạo đức lối sống, khai trừ 01 đảng viên do vi phạm pháp luật bị truy tố (vụ việc phát sinh từ năm 2010).
|
Bùi Thu Hà
(Ban Nội chính Trung ương)