Vấn đề bảo vệ người tố cáo ở các quốc gia EU
Thứ Hai, 03/01/2022, 06:19 [GMT+7]
Những người tố cáo các hành vi tham nhũng vẫn không thực sự được bảo vệ trong khi phần lớn các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đều bỏ lỡ thời hạn chuyển giao Chỉ thị của EU về bảo vệ người tố cáo.
Theo bà Marie Terracol (Tổ chức Minh bạch Quốc tế) và Ida Nowers (Mạng lưới Quốc tế Người tố cáo), tố cáo là một trong những cách hiệu quả nhất để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, trong đó có tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ 47% công dân châu Âu cảm thấy họ có thể báo cáo tham nhũng một cách an toàn, 45% vẫn lo sợ bị trả thù vì đã lên tiếng.
Luật pháp chặt chẽ là chìa khóa để bảo vệ những người tố cáo và đảm bảo rằng hành vi sai trái mà họ tố cáo được giải quyết. Năm 2019, EU đã thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách thông qua Chỉ thị về bảo vệ người tố cáo.
Chỉ thị bao gồm các điều khoản mang tính đột phá để cải thiện những điểm yếu và lấp đầy các khoảng trống quan trọng trong việc bảo vệ người tố cáo ở các nước EU. Chỉ thị cũng nêu rõ, 27 nước thành viên EU có 2 năm để "chuyển giao" thành luật quốc gia của họ. Và, 17/12/2021 là ngày cuối cùng của thời hạn đó.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Mạng lưới Quốc tế Người tố cáo đã theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển giao trên tất cả 27 quốc gia thành viên EU kể từ năm 2019. Vào tháng 3/2021, 2 tổ chức này đã công bố một báo cáo, trong đó nêu rõ, 2/3 (18) quốc gia thành viên đã không bắt đầu hoặc đạt được tiến bộ tối thiểu hướng tới việc thực hiện Chỉ thị.Đến ngày 17/12/2021, nhiều nước EU đã không đáp ứng được thời hạn để cải thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về bảo vệ người tố cáo.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Mạng lưới Quốc tế Người tố cáo, trong số 27 quốc gia thành viên EU, chỉ có 5 quốc gia đã thông qua Luật Bảo vệ người tố cáo mới đáp ứng việc thực thi Chỉ thị, bao gồm: Đan Mạch (tháng 6/2021), Thụy Điển (tháng 9/2021), Bồ Đào Nha (tháng 11/2021), Malta và Lithuania (tháng 12/2021).
Nghị viện ở 3 quốc gia (Pháp, Hà Lan và Estonia) đang thảo luận về các dự luật. 10 quốc gia bổ sung có dự thảo luật (Bỉ, Croatia, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Ireland, Latvia, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia). 9 quốc gia còn lại, các dự thảo luật vẫn chưa được đưa ra.
Sự chậm trễ trong luật pháp có thể khiến những người tố giác gặp nguy hiểm, trả thù. Những người tố cáo thiếu sự bảo vệ, theo đó những hành vi sai trái đe dọa cuộc sống, hoặc các quỹ công cần thiết vẫn bị che giấu trong "vùng bí mật".
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể phân loại bất kỳ quốc gia nào là đã chuyển giao Chỉ thị. Bởi, thông qua luật mới chỉ là một bước. Thông thường, luật không có hiệu lực ngay lập tức, và sẽ cần thêm các quy định và điều khoản hành chính khác. Ngoài ra, mỗi quốc gia thành viên phải báo cáo về công việc đã thực hiện cho Ủy ban EU. Ủy ban sẽ đánh giá xem liệu khung pháp lý quốc gia có phù hợp với Chỉ thị hay không. Những quốc gia không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Chỉ thị sẽ phải đối mặt với thủ tục vi phạm và các hình phạt tài chính tiềm năng.
Những người tố cáo trên khắp EU sẽ chỉ được khuyến khích và hỗ trợ lên tiếng vì lợi ích cộng đồng nếu các chính phủ EU khẩn trương thông qua luật tố cáo cung cấp sự bảo vệ người tố cáo ở mức độ cao, vượt ra ngoài các tiêu chuẩn tối thiểu của Chỉ thị.
Bất chấp thời hạn đã qua, vẫn chưa muộn để các nước EU cải thiện các dự thảo luật, đồng thời ưu tiên một quá trình chuyển giao minh bạch và toàn diện. Chỉ khi đó, luật bảo vệ người tố cáo trên toàn EU mới có thể phù hợp với mục đích và thực hiện đúng cam kết của Chỉ thị.
Hoài Phương
(Báo Thanh tra)