Những trường hợp người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân

Chủ Nhật, 05/06/2022, 07:22 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết quy định những trường hợp như thế nào thì người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân?
 
    Trả lời: Theo Thông tư số 04/2021/TT-TTCP, ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ (Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2014/TT-TTCP, ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ), người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân và phải giải thích cho công dân lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân trong những trường hợp: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân. Đặc biệt trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
    Cụ thể những trường hợp người tiếp công dân được từ chối tiếp quy định cụ thể tại Điều 4, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP như sau: Người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp khi công dân vi phạm các quy định tại Điều 9, Luật Tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp. Đối với những vụ, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân, thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư số 04/2021/TT-TTCP.
 
    Thông tư số 04/2021/TT-TTCP cũng quy định, khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu người khiếu nại nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có) để xác định họ là người tự mình thực hiện việc khiếu nại hay là người đại diện khiếu nại hay là người được ủy quyền khiếu nại (Khoản 1 Điều 5). Khi tiếp người tố cáo, người tiếp công dân yêu cầu người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân. Khi công dân xuất trình giấy tờ tùy thân thì người tiếp công dân kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ đó (Điều 17).
 
    Trong quá trình tiếp người tố cáo, người tiếp công dân phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo trừ khi người tố cáo đồng ý công khai; không được tiết lộ những thông tin có hại cho người tố cáo; nếu thấy cần thiết hoặc khi người tố cáo yêu cầu thì người tiếp công dân áp dụng những biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo. Đơn yêu cầu bảo vệ được thực hiện theo Mẫu số 07-TCD ban hành kèm theo Thông tư này (nội dung này được quy định tại Điều 18 của Thông tư).
 
    Khi tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có). Trường hợp người đến kiến nghị, phản ánh không vi phạm Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người tiếp công dân tiến hành việc tiếp công dân. Trường hợp người đến kiến nghị, phản ánh vi phạm Điều 9 Luật Tiếp công dân thì thực hiện như quy định tại Điều 4 Thông tư này (Điều 28).
 
    Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
 
    Đồng thời, Thông tư cũng nêu rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị.
 
    Trách nhiệm tiếp công dân được quy định tại Điều 4, Luật Tiếp công dân năm 2013, cụ thể là: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: (a) Chính phủ; (b) Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; (c) Ủy ban nhân dân các cấp; (d) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; (đ) Các cơ quan của Quốc hội; (e) Hội đồng nhân dân các cấp; (g) Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Căn cứ vào quy định của Luật này, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Thanh An
.