Điểm báo tuần số 384 từ ngày 07/9 đến ngày 13/9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 14/09/2020, 10:58 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
    
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Giáo dục và Thời đại, Khoa học và Đời sống, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (8/9) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Căng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Tại Quyết định 1371/QĐ-TTg ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Ngọc Căng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Trước đó, tại kỳ họp 44, qua xem xét, giải quyết tố cáo đối với ông Trần Ngọc Căng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật. Tại kỳ họp 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Ngọc Căng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Sức khỏe và Đời sống, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietnamNet, Đài THVN, Đài THVN, TTXVN (10/9) phản ánh các nội dung của Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về năm dự án luật sau: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; ba dự thảo nghị quyết: Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết của  Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của  Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; xem xét, cho ý kiến về nhiều báo cáo, trong đó có: Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020; Báo cáo công tác năm 2020 và Kế hoạch kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước; Các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và cá nhân có liên quan về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII…Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe trình bày Báo cáo kết quả hai phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về: Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của Quốc hội; việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên và một số nội dung công việc khác.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Công Thương, Nhà báo và Công luận, Giáo dục Việt Nam, Thời báo Tài Chính, Đầu tư, Hà Nội mới, Thanh Niên, TTXVN (10/9) cho biết, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương họp Phiên thứ 12. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đồng chí Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ này, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo theo các nhiệm vụ được giao. Theo đó, các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp có dự án, yếu kém, chậm tiến độ phải đề xuất các phương án khả thi, thẩm quyền xử lý và thời hạn xử lý theo phương châm doanh nghiệp và chủ đầu tư phải chủ động, tự chịu trách nhiệm xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động, an sinh xã hội, môi trường và ổn định xã hội cũng như quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải làm tốt hơn nữa vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cũng là vai trò của Cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty liên quan 12 dự án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Ban Chỉ đạo không làm thay công việc của doanh nghiệp, trách nhiệm chính thuộc về các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp cần chủ động làm việc với các đối tác, từng bước có các phương án xử lý về tài chính, giảm lỗ. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, các bộ, ngành đánh giá kỹ việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó mới có cơ sở xem xét việc đưa ba dự án trên ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/9) đồng loạt đưa tin về cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cho ý kiến về việc tiếp thu ý kiến của một số tổ chức đảng, cá nhân, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, dù đang là quá trình hoàn thiện, nhưng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã đạt những kết quả quan trọng và kết luận cuối cùng là do Đại hội quyết định. Đồng chí nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, không phải là nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, hay của một cơ quan nào. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc phải vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, là một văn kiện tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học còn có nhiều ý kiến đóng góp, do đó cần tiếp tục tiếp thu, chọn lọc, tìm tiếng nói chung để trình ra Đại hội thông qua mới thành văn kiện chính thức. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Các thành viên Tiểu ban Văn kiện, Tổ biên tập phải đọc nhiều, nghiên cứu kỹ, nghiên cứu sâu, nắm cho chắc, cầu thị và lắng nghe; vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo; còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan; lưu ý về cách dùng từ, thuật ngữ phải rất chính xác, như nói về đổi mới, đó là công cuộc đổi mới, sự nghiệp đổi mới… 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Xây Dựng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/9) cho biết, Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong 5 năm qua, quân đội đã làm tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước; nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ; thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình, đi đầu trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phòng chống dịch bệnh... Bộ Chính trị cũng đồng ý với nhận định nêu trong dự thảo báo cáo chính trị đó là tổ chức quân đội được điều chỉnh theo hướng tinh - gọn - mạnh, tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đồng thời công tác đối ngoại quốc phòng trở thành một trong những trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và nhân dân. Về phương hướng mục tiêu của Đảng bộ Quân đội trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ Chính trị cơ bản nhất trí như nêu trong dự thảo báo cáo chính trị, trong đó lưu ý một số vấn đề như: chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, chú trọng công tác đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý. Lãnh đạo các cấp trong Bộ Quốc phòng phải nhất quán thực hiện phương châm "trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo", tuyệt đối quán triệt quan điểm bất luận trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào quân đội cũng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Giao Thông, Thanh Niên, Đài THVN, TTXVN ( 07/9) theo nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can Nguyễn Hồng Lam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; Nguyễn Đông Dương, nguyên cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đức Cơ và Nguyễn Xuân Tứ, nguyên Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Cơ về tội "Tham ô tài sản" và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức". Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai, từ năm 2012-2018, trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, các bị can đã làm giả giấy tờ, chiếm đoạt ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt là 524 triệu đồng.
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Nông nghiệp, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/9) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố bị can đối với ông Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều quan chức, trong đó có ông Lê Tấn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa; ông Nguyễn Văn Tiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường... do có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 1.150 hồ sơ đất tại huyện Đông Hòa trái quy định pháp luật, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí (11/9) dẫn nguồn tin từ Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, đã ký quyết định chuyển hồ sơ cho Công an huyện để điều tra dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản” đối với ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân và ông Phan Trường Giang, kế toán ngân sách xã. Theo kết luận thanh tra, tháng 6/2018, có 2 công ty nộp 250 triệu đồng cho UBND xã Phước Tân để ký quỹ tu sửa đường bê tông từ trung tâm xã đến địa phận thôn Suối Đá. Ông Sô Bá Dựng đã chiếm dụng 150 triệu đồng để tiêu xài cá nhân và 8 triệu đồng chi phí tiếp khách. Ông Phan Trường Giang cũng chiếm dụng hơn 83 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, ông Dựng, ông Giang còn chi phí cho một số hoạt động của xã nhưng không có chứng từ chứng minh. Hiện Công an huyện Sơn Hòa đang thụ lý điều tra làm rõ.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, TTXVN (12/9) cho biết,  Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan; đồng thời đề nghị truy tố bị can Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC TP. Hà Nội cùng các đồng phạm trong vụ án. Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số Hệ thống Realtime PCR tự động để xét nghiệm Covid-19, với giá khoảng hơn 02 tỷ đồng. Tuy nhiên, CDC Hà Nội đã mua vào với giá cao gấp khoảng ba lần giá nêu trên. Kết quả điều tra xác định các bị can trong vụ án đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị Hệ thống Realtime PCR tự động gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Công lý, Giáo dục và Thời đại, Phụ nữ Việt Nam, Tiền Phong, Giao Thông, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNV, TTXVN (12/9) theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ngấn, là cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản”. Mở rộng vụ án liên quan đến nhóm giang hồ núp bóng Công ty Đường Dương thao túng đấu giá đất, cơ quan Công an tỉnh Thái Bình đã rà soát hồ sơ hàng loạt vụ đấu giá đất, tài sản trên địa bàn tỉnh này. Bà Ngấn bị bắt do "nghi vấn" có liên quan đến việc thu tiền đặt cọc và tiền lệ phí mua đơn đấu giá trong lĩnh vực đấu giá đất và tài sản xảy ra tại địa bàn huyện Hưng Hà. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (09/9) cho biết, Tòa án tối cao Ecuador đã quyết định giữ nguyên bản án 8 năm tù mà các cấp sơ thẩm đã tuyên đối với cựu Tổng thống Rafael Correa với tội danh tham nhũng, qua đó chấm dứt cơ hội ra tranh cử ở vị trí Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2021 của chính trị gia này. Vào tháng 4/2020,  một tòa án sơ thẩm đã ra phán quyết kết tội ông Correa và các cộng sự nhận các khoản tài trợ bất hợp pháp cho Đảng chính trị Alianza Pais (Liên minh Đất nước) của ông để đổi lại việc trao các dự án công cho một số công ty, trong đó có tập đoàn Odebrecht của Brasilia. Cựu Tổng thống Correa đã lên tiếng bác bỏ phán quyết mang màu sắc chính trị của cơ quan tư pháp đồng thời nhấn mạnh, quyết định trên chỉ khiến cho sự ủng hộ của nhân dân đối với phong trào chính trị của ông tăng lên. Ông Correa, hiện đang định cư tại Bỉ, có ý định ra tranh cử trong liên danh với ứng cử viên Andres Arauz với tư cách là ứng cử viên chức Phó Tổng thống.
 
    Báo Thanh tra (10/9) dẫn thông tin từ Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, Tòa án Basmanny của Moscow đã ra phán quyết đưa Thứ trưởng Năng lượng Anatoly Tikhonov - người bị cáo buộc biển thủ 603 triệu rúp (7,9 triệu USD) đến một trung tâm giam giữ trước khi xét xử. Trước đó, ngày 8/9, Thứ trưởng Năng lượng Nga Anatoly Tikhonov đã bị bắt giữ vì cáo buộc biển thủ công quỹ trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2015. Ngoài Anatoly Tikhonov, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ một số nhân viên thuộc Bộ Năng lượng có liên quan tới vụ việc. Tòa án cũng ra phán quyết tạm giam những người này.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:    
 
    - Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
    - Bộ Chính trị làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương.
    - Kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Căng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
    - Truy tố các bị can Nguyễn Hồng Lam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
    - Khởi tố bị can đối với Võ Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.