Thái Nguyên: Đẩy mạnh công tác tư pháp và cải cách tư pháp
Thứ Năm, 11/08/2022, 14:12 [GMT+7]
Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành 31 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tổng kết 08 năm thực hiện Quy định số 2607-QĐ/TU, ngày 02/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế họach và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2022 đối với 04 đơn vị, gồm: Cục Thi hành án dân sự thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Bình; tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; trong hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; Hội nghị triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sông Công (tháng 4/2022) |
Sở Tư pháp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2022; kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật, về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022; Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022; thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý cơ bản đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Các cơ quan tư pháp tích cực tham gia ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật về lĩnh vực tư pháp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1021-2025”.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh ký Quy chế phối hợp trong công tác tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an; phối hợp với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm việc điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, khong bỏ lọt tội phạm. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết 01 năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; kiểm tra công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với 05 Tòa án cấp huyện, gồm: Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công; Tòa án các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ động phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác thi hành án dân sự, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên, đấu giá, cưỡng chế thi hành án; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; ban hành Kế hoạch rà soát, đôn đốc, xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022; kế hoạch kiểm tra toàn diện công tác thi hành án dân sự, theo dõi án hành chính.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp thường xuyên được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ quản lý và chức danh tư pháp bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành và địa phương.
Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát thường xuyên theo luật định đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thi hành pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính; ban hành Kế hoạch giám sát kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật trong công tác kiểm sát, xét xử các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân hai cấp; giám sát kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân bảo đảm hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tuệ Minh