Vĩnh Phúc: Ban Nội chính Tỉnh ủy đẩy mạnh thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thứ Ba, 07/06/2016, 16:00 [GMT+7]

Thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị.

Phát huy truyền thống yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, gắn phong trào thi đua với với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm ngày truyền thống của Ngành Nội chính Đảng, kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (01/01/1997- 01/01/2017), Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua chuyên đề với chủ đề “Tham mưu đúng, trúng, kịp thời, góp phần ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

Một Hội nghị giao ban của Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Một Hội nghị giao ban của Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BNCTW, ngày 19-4-2016 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề “Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về nội chính và tham nhũng”, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng nội dung phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án; tham mưu giúp lãnh đạo Ban trong công tác nắm tình hình, phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đề xuất hướng xử lý đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật với phương châm: ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hai là, rà soát đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung xác minh những đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, phức tạp nhằm tham mưu giúp lãnh đạo Ban đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Ba là, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên nắm tình hình, đặc biệt là tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, hoạt động đình công, lãn công tại các khu công nghiệp, vụ việc khiếu kiện kéo dài tại các địa phương tập trung nhiều dự án như Bình Xuyên, Tam Đảo, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường… nhằm kịp thời phát hiện những vụ việc phức tạp nảy sinh.

Bốn là, theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo xử lý; các vụ án do Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì theo dõi, đôn đốc; các vụ án do Ban Nội chính Tỉnh ủy phát hiện, kiến nghị xử lý. Qua công tác theo dõi, kịp thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp để Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo.

Năm là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát theo Chương trình công tác toàn khóa, hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của các đơn vị, qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm của các cơ quan, đơn vị, kiến nghị biện pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm; kiên quyết kiến nghị xử lý những vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hằng năm, rà soát các kết luận thanh tra theo sự chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".

Sáu là, xây dựng Kế hoạch theo dõi nắm tình hình các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, về tiến độ những vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thường trực Tỉnh ủy giao theo dõi, chỉ đạo xử lý; những vụ việc, vụ án Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc xử lý.

Nguyễn Thị Vân Anh

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

;
.