Banner

Quảng Bình: "Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ, buông lỏng quản lý,… làm giảm hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải xử lý nghiêm"

Thứ Hai, 25/11/2019, 16:50 [GMT+7]
    Ngày 21/11/2019, Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân”. Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. 
 
    Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã đánh giá khá toàn diện về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, cũng như bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Chỉ thị; xác định phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. 
 
Đồng chí  Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị
    15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng còn nhiều khó khăn thách thức cả về kinh tế và tình hình chính trị - xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai và sự cố môi trường biển trong những năm gần đây đã tác động đến thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh, trong đó có sự tác động đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Song, đươc sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương nhất là Bộ Tư pháp cùng với sự nỗ lực tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực:
 
    Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã có nhiều đổi mới từ nhận thức tới hành động đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên đã có sự quan tâm thông qua việc ban hành các nghị quyết, các quyết định, chỉ thị, chương trình, kế hoạch,... tạo cơ sở, tiền đề quan trọng, cần thiết cho hoạt động thực tiễn về phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như hình thành hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
 
    Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, các Ban Chỉ đạo về phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có nền nếp; cơ quan thường trực là Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật từ tỉnh tới cơ sở thường xuyên được rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung hoạt động.
 
    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự đổi mới về nội dung, hình thức, ngày càng phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương và yêu cầu của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị nên việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vừa đồng bộ, rộng khắp, vừa có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và thực sự hướng về cơ sở. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát hơn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, kịp thời, nhạy bén trong nắm bắt những vấn đề được Nhân dân quan tâm để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
 
    UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm, trích nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày báo cáo tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày báo cáo tại Hội nghị
    Những kết quả về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên đã và đang góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; dần dần hình thành thói quen tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, Nhân dân. Qua đó đã góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao dân trí pháp lý, văn hoá pháp luật. Vì vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm nói riêng ngày càng giảm, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo góp phần giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
 
    Ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị cơ bản tán thành với Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời, làm rõ thêm những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; kiến nghị, đề xuất các biện pháp để tổ chức thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nêu trong Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư.
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng những thành tựu đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của tỉnh là rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh một số khuyết điểm hạn chế có nguyên nhân từ chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện; yêu cầu các đại biểu quán triệt, lĩnh hội đầy đủ, cụ thể hóa sát tình hình, đặc điểm địa phương mình để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung vào việc tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy các cấp về nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. 
 
    Đổi mới các hình thức, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua mạng xã hội (facebook, Zalo,…). Tăng cường xã hội hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, đồng chí yêu cầu: “Cấp ủy các cấp, các ngành, địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không thực thi đúng chức trách nhiệm vụ, buông lỏng quản lý,… làm giảm hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Sở Nội vụ nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và là tiêu chí xét thi đua, khen thưởng”.
 
    Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; tích cực hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 
 
    Hội nghị cũng đã biểu dương, khen thưởng cho 08 tập thể và 08 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Võ Bá Phong
.
.