Banner

Bảo vệ người tố cáo để khuyến khích phòng, chống tội phạm

Chủ Nhật, 22/09/2019, 06:44 [GMT+7]
    Hỏi: xin cho biết những quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo?
 
    Trả lời: Luật tố cáo năm 2018 quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết (Điều 47).
 
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Người được bảo vệ có các quyền sau đây: (a) Được biết về các biện pháp bảo vệ; (b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; (c) Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; (d) Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; (đ) Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.
 
    Người được bảo vệ có các nghĩa vụ sau đây: (a) Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; (b) Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; (c) Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ (Điều 48).
 
    Điều 52 quy định về quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo như sau: Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau đây: (a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; (b) Căn cứ ra quyết định; (c) Họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ; (d) Nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ; (đ) Thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật này.
 
    Ngoài ra, Luật tố cáo năm 2018 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ: Thứ nhất, về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ, người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ; Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản. Thứ hai, về xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo, khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ thì kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết; khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo. Thứ ba, về quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định của Luật tố cáo năm 2018./.
 
                                                                              Thanh An
.
.