Bộ Công Thương: Công tác cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực

Thứ Sáu, 07/08/2020, 14:32 [GMT+7]
    Ngày 06/8, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng ban Cải cách Hành chính của Chính phủ chỉ đạo Hội nghị.
 
    Giai đoạn 2016-2018 công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực, vị trí xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Parindex) của Bộ liên tục có những bước tiến vượt bậc: Năm 2016, đứng thứ 12/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 6 bậc so với năm 2015); năm 2017, đứng thứ 5/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 7 bậc so với năm 2016, tăng 13 bậc so với năm 2015); năm 2018 Bộ Công Thương tiếp tục giữ vững vị trí đứng thứ 5/18 Bộ, ngành; các chương trình, kế hoạch công tác nói chung và về cải cách hành chính nói riêng của Bộ được hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ hoặc đơn giản hóa tối đa; công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Công tác cải cách hành chính Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2020 được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, về cải cách tổ chức bộ máy đến thời điểm hiện nay đã tham mưu Chính phủ cắt giảm 05 đầu mối thuộc Bộ, giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; đặc biệt đã sắp xếp giảm được 74 Phòng thuộc Vụ/Cục.
 
    Về cải cách thủ tục hành chính được tiến hành qua 2 giai đoạn từ 2011-2015, thực hiện theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 17/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, theo đó Bộ đã hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa đối với 192 thủ tục hành chính; tiếp nối thành quả cải cách thủ tục hành chính từ Đề án 30 của Chính phủ, từ năm 2015 cho đến nay, Bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hàng năm và thực thi cắt giảm đơn giản hóa 514 thủ tục hành chính (đặc biệt là trên các lĩnh vực điện lực, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước, hóa chất). Bộ Công Thương đã tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, Bộ đã rà soát, cắt giảm 880/1216 điều kiện kinh doanh; danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương được cắt giảm là 1051 mã HS/1891 mã HS (chi tiết đến 8 số) đạt tỷ lệ hơn 56%, góp phần giảm số tờ khai phải kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng năm 2019 chỉ chiếm 3% tổng số tờ khai nhập khẩu (trong giai đoạn 2015-2016 số liệu này là 8-10%/năm).
 
    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nỗ lực công tác, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Công Thương. 
 
    Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công thương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua; hàng năm, kịp thời xây dựng và ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
    Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thành xây dựng bản mô tả công việc, xây dựng khung năng lực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của Bộ Công Thương và ngành Công Thương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.
                                                                                    Thùy Linh
.