Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Năm, 06/08/2020, 05:34 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.
 
    Theo đó, dự thảo Kế hoạch gồm 9 nhiệm vụ, giải pháp, bám sát và cụ thể hóa theo tinh thần và nội dung của Kết luận số 80-KL/TW, trọng tâm là tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Kết luận số 80-KL/TW; đổi mới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp; đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
    Dự thảo Kế hoạch cũng phân công rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung Kế hoạch này bằng hình thức phù hợp; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.
 
    Dự thảo nêu rõ trách nhiệm đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ, cũng như sản xuất, nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục PBGDPL; đồng thời đề nghị Ủy Ban Trung ương Mặt Trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tăng cường phối hợp triển khai các nhiệm vụ.
 
    Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo phải tập trung vào khâu yếu nhất là xác định đối tượng, bởi lẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn hình thức, chưa có chiều sâu, chưa đi vào thực tiễn, nhất là tình hình vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực vẫn còn phổ biến. Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tập trung vào nội dung trong Kết luận số 80-KL/TW để tìm ra giải pháp, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới; đề nghị rà soát, xem xét lại nội hàm trong dự thảo, kịp thời đưa vào Kế hoạch chủ trương Chính phủ yêu cầu; bổ sung thêm các tổ chức xã hội nghề nghiệp; phân định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể hơn đối với các cơ quan truyền thông; tăng cường sự lãnh đạo của UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương.
                                                                                       Phương Mai
(Bộ Tư pháp)
.