Kỷ luật cán bộ là việc làm thường xuyên của Đảng
Thứ Năm, 12/11/2020, 05:53 [GMT+7]
Việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thêm một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta: Làm tốt thì biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó, không có “vùng cấm”, hoặc ngoại lệ. Đây là nguyên tắc, việc làm thường xuyên của Đảng và cũng là mong muốn của nhân dân, nhằm không ngừng làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 49 cho thấy, khi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục. Nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự. Cụ thể là năm vi phạm, khuyết điểm được Bộ Chính trị nêu trong Quyết định thi hành kỷ luật cán bộ. Mắc những vi phạm, khuyết điểm như thế, dù là ai cũng phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện để người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt cống hiến cho đất nước, nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Gần 35 năm đổi mới, Đảng ta ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định về công tác cán bộ. Bởi thế, chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực và môi trường công tác thuận lợi như hiện nay. Song cũng thật đáng lo ngại vì tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Vì thế, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện mạnh mẽ là: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”. Với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, kiên trì, bài bản, nghiêm minh và cũng rất nhân văn. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài tưởng bị chìm trong im lặng, lần lượt được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Khi bị kỷ luật, hay xét xử, có những cán bộ cấp cao đã hối hận, xin lỗi nhân dân và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vì đã làm những việc sai trái, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Chưa bao giờ có số lượng lớn cán bộ bị xử lý kỷ luật như nhiệm kỳ này, trong đó hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, bao gồm cả đương chức và nghỉ hưu, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang,... Phải kỷ luật chính đồng chí mình là điều không ai muốn, nhưng kỷ luật một vài người là để vừa giữ nghiêm kỷ cương phép nước, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục, răn đe người khác tránh xa vết xe đổ của đồng chí mình.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, khi đề cập việc kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường”. Điều đáng mừng là, những kết quả trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã củng cố vững chắc thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo khí thế mới, tinh thần mới trong quá trình tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay.
Hiện, toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị mọi công việc để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào đầu năm 2021, trong đó có công tác nhân sự - một công việc vô cùng quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, nặng nề,… Vì đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải có bản lĩnh thật vững vàng, có phẩm chất, trí tuệ và uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Yêu cầu là không để sót những người có đức, có tài, nhưng kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất.
Xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm lâu nay luôn được Đảng ta thực hiện một cách thận trọng, nghiêm minh, công tâm, khách quan và chắc chắn rằng càng đến dịp đại hội càng phải làm thận trọng, nghiêm minh, công tâm, khách quan hơn nữa để góp phần lựa chọn nhân sự xứng đáng vào cấp ủy khóa mới. Đây là yêu cầu của nhiệm vụ mới, là đòi hỏi tất yếu không thể thiếu trước mỗi kỳ đại hội. Thế nhưng, kinh nghiệm từ trước đến nay, cho thấy quá trình chuẩn bị đại hội luôn là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là về công tác nhân sự. Chúng lu loa cho rằng, “do bè phái, nội bộ đấu đá thanh trừng lẫn nhau”. Nếu lơ là mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin sẽ dễ bề nghe theo những điều xuyên tạc quen thuộc nhưng rất nham hiểm ấy.
Với thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước giành được trong 35 năm đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, càng thấy rõ, mỗi việc làm của Đảng, trong đó có việc xử lý kỷ luật cán bộ luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn, vì yêu cầu, mục đích chung của sự nghiệp cách mạng, để Đảng xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, để mỗi cán bộ thật sự là công bộc của dân .
Bắc Văn