Điểm báo tuần số 581 từ ngày 15/7 đến ngày 21/7 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 22/07/2024, 22:11 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/7) đưa tin, Công an các tỉnh: Quảng Bình, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Thuận, Gia Lai… triệt xóa nhiều đường dây cá độ bóng đá với số tiền lớn. Đặc biệt, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Công an các tỉnh Quảng Ngãi, Lâm Đồng triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Trước đó, 08 tổ công tác ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Lâm Đồng bắt giữ 08 đối tượng. Cơ quan Công an xác định, từ đầu tháng 5/2024 cho đến khi bị lực lượng Công an triệt phá, đường dây cá độ bóng đá này đã giao dịch đánh bạc qua tài khoản với số tiền ước tính lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.
 
    Các báo (16/7) đưa tin, tại Kỳ họp thứ 43, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung: (1) Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các cá nhân có liên quan; Khiển trách Đảng đoàn HĐND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 và các cá nhân liên quan; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. (2) Quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV. (3) Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân tại tỉnh Bình Thuận. (4) Tiếp tục thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 40 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và một số tổ chức đảng, đảng viên có liên quan. (5) Yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên tiếp tục khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra liên quan đến các dự án, gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện tại Bộ Tài chính và các địa phương, đơn vị. (6) Yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát tiếp tục phát huy ưu điểm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra...
 
Kỳ họp thứ 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Kỳ họp thứ 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (18/7) đưa tin, liên quan đến vụ tai nạn khiến 3 công nhân tử vong, Công an tỉnh Lai Châu quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đoàn Trọng Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH T&Đ 86 về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn lao động” xảy ra ngày 11/7 tại Công trình xây dựng hầm dẫn nước thuộc dự án thủy điện Nậm Cuổi 1 (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu bắt tạm giam bị can Lê Văn Duẩn, Chỉ huy trưởng thi công công trình.
 
    Các báo (19-21/7) đưa tin, báo chí trong nước và quốc tế đồng loạt thông tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời, các báo có nhiều bài viết về những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đồng chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối ở tầm chiến lược; xây dựng, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/7) đưa tin, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “đưa hối lộ và nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với Đặng Trần Huy, đăng kiểm viên, trưởng dây chuyền số 01, 02 của Trung tâm này để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Qua điều tra xác định, ông Đặng Trần Huy đã nhận tiền của nhiều chủ xe để bỏ qua các lỗi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ xe trong quá trình đăng kiểm. Liên quan đến sai phạm của Trung tâm, đến nay, Cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố 06 bị can gồm giám đốc, 02 phó giám đốc, 02 đăng kiểm viên và 01 giám đốc doanh nghiệp.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân điện tử và các báo (15/7) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đưa vụ án “tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn” xảy ra tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra xét xử. Vụ án có 23 bị cáo (15 bị cáo bị bắt tạm giam, 08 bị cáo được cho tại ngoại) nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới và một số lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong các bị cáo có Nguyễn Hồng Viễn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chợ Mới; Vũ Minh Thao, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới.
 
    TTXVN và một số báo (15/7) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tằm Sắn Bảo Lộc để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Lê Đình Chi, Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty với vai trò đồng phạm giúp sức cho Đoàn Ngọc Hùng. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã nhiều lần lập hồ sơ thanh lý, hóa giá vườn cây, trả lại đất cho địa phương để cấp đất cho các hộ nhận khoán. Đoàn Ngọc Hùng và Lê Đình Chi bị bắt do liên quan đến các sai phạm trong quá trình lập hồ sơ để hóa giá, thanh lý vườn cây cấp đất cho các hộ dân tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm.
 
    Đài THVN, báo Nhân Dân điện tử và một số báo (16/7) đưa tin, trong phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Khánh Tùng, cựu Trưởng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29.02S Yên Viên, huyện Gia Lâm 33 tháng tù; Nguyễn Khánh Hưng, cựu Phó trưởng Trung tâm 31 tháng tù; 08 bị cáo khác bị tuyên từ 26-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội Nhận hối lộ. Theo cáo trạng, quá trình hoạt động tại Trung tâm từ năm 2020-2022, Tùng là người chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các chủ xe ôtô đến đăng kiểm, bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm; các bị cáo đã nhận hối lộ tổng số 426 triệu đồng.
 
    Các báo (16/7) đưa tin, Công an tỉnh Hòa Bình quyết định khởi tố các bị can Lê Thanh Phúc, Nguyễn Hoài Sơn, Đường Trung Trực, Hồng Minh Đạt, Tưởng Thanh Tri cùng trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và 11 bị can khác để điều tra về các hành vi “trốn thuế” và “mua bán trái phép hóa đơn”. Theo điều tra, từ năm 2020 đến tháng 9/2023, các đối tượng đã thành lập 64 công ty “ma” xuất trái phép 140.024 hóa đơn điện tử, trong đó có 76.561 hóa đơn xuất cho gần 9.000 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước với tổng số tiền ghi trên hóa đơn hơn 3.200 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (17/7) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét đối với Trần Ngọc Thuận, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam và Trần Thoại, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
 
    Báo Công an nhân dân, Người Lao động, Công thương, Thanh niên, Công an Thanh Hóa, Lao động và một số báo (17/7) đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ cung ứng Thiện Nhân (có địa chỉ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra xác định: Từ tháng 3/2023-3/2024, Dương đã sử dụng các tài khoản gmail để chia sẻ với khách hàng về chương trình xuất khẩu lao động đi làm việc thời vụ ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc và tìm kiếm, tuyển chọn những người đang có nhu cầu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có 162 lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều địa phương khác bị lừa với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
 
    TTXVN, VietNamPlus, Tuổi trẻ TP.HCM, Báo mới và một số báo (17/7) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ tuyên trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa thành phố liên quan Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Tiến Lực, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Ngọc Thùy và Đỗ Thị Yến Phương cùng là nhân viên Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa thành phố. Theo đó, sau khi nghị án lần 2, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ dòng tiền trong vụ án.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (18/7) đưa tin, theo điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2014-2017, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn, Hoàng Văn Bốn đã nhận gần 800 triệu đồng từ các hội nông dân xã trong huyện trả tiền mua phân bón, sau đó chiếm đoạt tiêu xài cá nhân. Bị phát hiện, đối tượng đã bỏ vào TP. Hồ Chí Minh và thay tên đổi họ nhằm trốn truy nã; đối tượng này bị truy nã từ năm 2018 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt Hoàng Văn Bốn sau 7 năm lẩn trốn truy nã.
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (18/7) đưa tin, Công an tỉnh Trà Vinh quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Thị Hồng, nguyên Giám đốc; Huỳnh Công Văn, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm cán bộ tín dụng; Tăng Vinh Quang, nguyên cán bộ tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân Đại An về tội “Vi phạm quy định hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Đại An (thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Theo điều tra, từ năm 2015-2018, các đối tượng đã cố ý thực hiện trái quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay vốn, vi phạm về điều kiện cấp tín dụng; tạo điều kiện cho 03 bị can khác trong cùng vụ án thực hiện hành vi gian dối, lập khống nhiều hồ sơ vay vốn, nhận tiền giải ngân từ Quỹ tín dụng, chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại số tiền hơn 17 tỷ đồng.
 
    Các báo (18/7) đưa tin, Tòa án Quân sự Trung ương đã đưa ra phán quyết với các bị cáo kháng cáo trong vụ án liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á xảy ra tại Học viện Quân y, Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và một số đơn vị liên quan. Theo đó, với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Hội đồng xét xử tuyên giảm án cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng từ 15 năm xuống còn 13 năm tù; Phan Quốc Việt từ 15 năm xuống còn 13 năm tù; Hồ Anh Sơn, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y từ 12 năm xuống còn 10 năm tù. Ở tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tòa tuyên giảm án cho bị cáo Phan Quốc Việt từ 10 năm xuống còn 9 năm tù; Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng trang bị vật tư từ 7 năm xuống còn 5 năm tù; Lê Trường Minh, cựu Trưởng ban hóa dược từ 6 năm xuống còn 4 năm tù; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng tài chính, Học viện Quân y từ 4 năm xuống còn 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á từ 6 năm xuống còn 4 năm tù. Như vậy, bị cáo Phan Quốc Việt, cộng với bản án 29 năm tù trong vụ án kit xét nghiệm xảy ra tại Bộ Y tế và một số bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp hình phạt chung cả 2 bản án là 30 năm tù. Về dân sự, tòa không chấp nhận yêu cầu của Công ty Việt Á yêu cầu Học viện Quân y trả lại 10 tỷ đồng; vẫn buộc các cá nhân và đơn vị liên quan phải bồi thường hơn 12 tỷ đồng còn thiếu cho Học viện.
 
    Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (18/7) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử 254 bị cáo liên quan sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới và chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước về 11 tội danh. Trong đó có nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm: Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (nguyên Cục trưởng) và Nguyễn Vũ Hải (nguyên Phó cục trưởng). Theo dự kiến, Phiên tòa diễn ra trong 3 tháng (từ ngày 18/7-18/10/2024). Báo Dân trí, Pháp luật TP.HCM, baomoi.com và một số báo (18/7) thông tin thêm, ông Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình và 101 đồng phạm trong đại án đăng kiểm bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử về tội Nhận hối lộ, có khung hình phạt lên đến tử hình. Truyền hình Quốc hội, Tiền phong và các báo (19/7) thông tin, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa tiến hành công bố nội dung cáo trạng truy tố các bị cáo trong đại án. Theo hồ sơ vụ án, 2 cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ và chia tiền hối lộ với số tiền đặc biệt lớn. Khi phát hiện sai phạm, ông Đặng Việt Hà tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ cấp dưới nhận tiền hối lộ và chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc “phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất”. Bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó, bị cáo này hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD. Ông Trần Kỳ Hình bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện. Căn cứ hành vi phạm tội, 2 nguyên Cục trưởng và 101 đồng phạm bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”; hình phạt theo quy định này là bị phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Báo Công an nhân dân và một số báo (19/7) cho biết thêm, cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà khai nhận, do nhận thức số tiền nhận được là trái pháp luật, nên đã trả lại 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (phòng VAR), sau đó theo giới thiệu của Lại Thái Phong (Phó trưởng phòng VAR), Hà đã chỉ đạo Quân đưa cho Phong đổi 100.000 USD để Phong đưa cho Nguyễn Văn Chung tìm hiểu thông tin liên quan đến kết quả điều tra của cơ quan Công an. Khi biết Chung đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hà đã gửi đơn tố cáo đối tượng này tới cơ quan chức năng.
 
    Báo VietNamNet, Baomoi.com, Người Lao động, Tuổi trẻ TP.HCM và một số báo (19/7) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ mở phiên xét xử sơ thẩm (lần thứ hai) vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ). Tuy nhiên, phiên xử phải tạm hoãn do vắng mặt 2 luật sư, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Các bị cáo gồm Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam; Phạm Tường Thi, Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến; Nguyễn Văn Đạt, nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến; Lê Thanh Hải, nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ; Trần Huy Liệu, nguyên Phó giám đốc và Bùi Tuấn Anh, nguyên Trưởng phòng tín dụng. Theo cáo trạng, Nhân, Hải, Liệu và Tuấn Anh đã lợi dụng quyết định của Thủ tướng, bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn ưu đãi; trong khi Công ty này không thuộc đối tượng, chưa có tài sản đảm bảo thế chấp;... Các bị can này vẫn đồng ý và cùng Nhân hợp thức hóa hồ sơ để được vay vốn và hỗ trợ lãi suất. Từ đó, những người này đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam hơn 291 tỷ đồng. Đây là vụ án đã kéo dài nhiều năm, quyết định khởi tố đầu tiên được ban hành từ cuối năm 2015. Đầu năm 2022, Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ xét xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên cả 06 bị cáo không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân thành phố kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Tháng 8/2022, xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
 
    Theo báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (19/7) đưa tin, mở rộng điều tra vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố bị can, bắt tạm giam Phù Chí Hòa, Tổ phó Tổ Văn phòng thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phú Quốc. Trong thời gian công tác, năm 2018, Phù Chí Hòa được giao nhiệm vụ xác minh, làm rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng các thửa đất tại ấp 2, xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc để tham mưu lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố ký văn bản tham mưu UBND thành phố cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân là đất có nguồn gốc do UBND xã Cửa Cạn quản lý, dẫn đến thiệt hại số tiền hơn 21 tỷ đồng.
 
    Các báo (19/7) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan. Liên quan đến vụ án, báo Công an nhân dân, Baomoi.com (21/7) có bài, “Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên quan nhiều vụ thâu tóm đất công”. Bài báo cho biết, vụ việc bà Nguyễn Thị Như Loan cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Cao su và một số cán bộ các cơ quan liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm xảy ra tại khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh; không phải lần đầu bà Loan liên quan đến đất công mà đã từng có nhiều lãnh đạo thành phố, lãnh đạo công ty có vốn nhà nước có sai phạm do chuyển nhượng dự án cho Quốc Cường Gia Lai… Bắt đầu từ Dự án khu dân cư (KDC) Bắc Phước Kiển với diện tích lên đến 91 ha ở huyện Nhà Bè; dự án KDC Phước Kiển với diện tích gần 51 ha; dự án KDC Ven Sông, ở quận 7; dự án thành phần có diện tích hơn 14 ha nằm trong dự án KDC 174 ha Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức... là mục tiêu được QCGL nhắm tới. 
 
    Báo Người Lao động, VnExpress, Công an nhân dân, Lao động và một số báo (20/7) đưa tin, Công an tỉnh Bắc Ninh quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Xuân Trung, thôn Phú Ninh, thị trấn Gia Bình; Nguyễn Xuân Nghi, thôn Hương Vinh, thị trấn Gia Bình và Nguyễn Quang Kiên, thôn Hương Vinh, thị trấn Gia Bình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 11 bị can khác về tội danh trên. Từ năm 2009-2018, các bị can đã có hành vi giao đất trái quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (16/7) đưa tin, dù người đứng đầu đất nước mới đây đã sa thải gần như toàn bộ Nội các sau khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng và tăng thuế, nhưng các cuộc biểu tình trên khắp Kenya vẫn tiếp diễn, tạo ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 2 năm Tổng thống William Ruto nắm quyền và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, ngay cả sau khi Tổng thống đã nhượng bộ, rút lại 2,7 tỷ USD tiền tăng thuế và sa thải gần như toàn bộ Nội các của ông.
 
    Báo Thanh tra (17/7) đưa tin, giới chức Paraguay công bố vụ bắt giữ ma túy lớn nhất trong lịch sử nước này với hơn 4 tấn ma túy được ngụy trang cùng những bao tải đường trong lô hàng được vận chuyển đến Bỉ. Tổng thống Santiago Peña bày tỏ hy vọng rằng vụ tịch thu lô hàng có giá trị lên đến gần 240 triệu USD này sẽ giảm thiểu tình trạng buôn bán ma túy ở nước này và cho biết cảnh sát sẽ tiếp tục truy bắt các đối tượng có liên quan khác.
 
    Báo Dân Việt (19/7) đưa tin, Tướng Vadim Shamarin đã bị cách chức Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga. Tòa án đã thu giữ một chiếc ô tô Mercedes mua bằng thẻ tín dụng và cũng phong tỏa thẻ lương của ông này. Theo phát hiện của phóng viên RIA Novosti, tháng 11/2022, vợ của Shamarin là Elizaveta đã mua một chiếc Mercedes-Benz GLE, giá của chiếc xe này vượt quá 20,6 triệu rúp. Theo các nhà điều tra, từ tháng 4/2016-10/2023, ông Shamarin đã nhận hối lộ số tiền 36 triệu rúp từ Tổng Giám đốc nhà máy điện thoại Perm Telta, Alexey Vysokov và kế toán trưởng của công ty, Elena Grishina. Để làm được điều này, Shamarin phải cung cấp sự bảo trợ chung và tăng số lượng sản phẩm được cung cấp theo hợp đồng của Chính phủ cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Tháng 5, cả ba đều bị quản thúc. Gần đây, một số quan chức quân sự cấp cao đã phải vào các trung tâm giam giữ trước khi xét xử.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; tuyên truyền về những cống hiến của Tổng Bí thư cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
    - Kỳ họp thứ 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
    - Phiên tòa xét xử 254 bị cáo liên quan sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm;
    - Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam;
    - Phan Quốc Việt và nhóm cựu sĩ quan Học viện Quân y được giảm án.
TẠP CHÍ NỘI CHÍNH
 
 
.