Điểm báo tuần số 504 từ ngày 03/01 đến ngày 08/01 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 09/01/2023, 11:33 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và một số báo (04/01) cho biết, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) dự và phát biểu chỉ đạo. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị. Chủ trì tại các điểm cầu địa phương gồm các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Phó Bí thư tỉnh ủy và hơn 3.000 đại biểu là cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng dự trực tuyến qua các điểm cầu trên cả nước… Tại Hội nghị này, Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm 2023 để thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022; tiếp tục nâng cao chất lượng, kinh nghiệm công tác để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/01) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng họp Kỳ thứ 11 xem xét, kết luận, quyết định một số nội dung theo thẩm quyền. Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Bùi Hữu Nhân, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với đồng chí Bùi Hữu Nhân. Xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng và đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện. Cùng với những ưu điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng và các cá nhân này đã có một số hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng và cá nhân nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
 
    Theo tin từ TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (05/01), tại Nhà Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể theo hình thức tập trung để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách, trong đó có: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội; vấn đề tài chính, ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Đồng thời, xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ…
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (07/01) cho biết, Đội đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, Công an xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng đưa dẫn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua biên giới vào Việt Nam. Qua đấu tranh, khai thác mở rộng vụ án, lực lượng chức năng đã bắt giữ thêm 04 đối tượng trong đường dây tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/01) đưa tin, sau hai tuần xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Bị cáo Trần Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”;  tổng hợp hình phạt là 25 năm tù. Bị cáo Trần Đình Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai 11 năm tù. Bị cáo Đinh Quốc Thái, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 09 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 09 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; tổng hợp hình phạt là 19 năm tù. Bị cáo Bồ Ngọc Thu, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai 03 năm 06 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Trịnh Huy Cường, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng - Sở Xây dựng Đồng Nai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số báo (04/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, cùng về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, liên quan đến Công ty Việt Á. Mở rộng điều tra vụ án, C03 xác định nguyên Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Thủy; Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings Nguyễn Bạch Thùy Linh có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19 để trục lợi. 
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với: Phạm Minh Thắng, nguyên cán bộ Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Anh Phong, cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam và Phạm Phú Tưởng, cán bộ Chi cục thuế khu vực huyện Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc để điều tra, làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các bị can là thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hàm Thuận Nam do đội quản lý thị trường số 2 chủ trì. Liên quan vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Trần Văn Thăng, Bùi Viết Mạnh và Ngô Minh Phúc về tội nhận hối lộ (cả ba bị can đều thuộc Đội Quản lý thị trường số 2). Trước đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Hàm Thuận Nam nhận thông tin phản ánh và đơn của công dân về tình hình hoạt động kiểm tra khoáng sản của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hàm Thuận Nam. 
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (04/01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang thực thi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 05 bị can là lãnh đạo, đăng kiểm viên ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 98-06D về hành vi nhận hối lộ. Từ tháng 3/2021 đến nay, lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên của Trung tâm có hành vi vòi vĩnh, nhận tiền của chủ phương tiện xe cơ giới đến kiểm định để bỏ qua một số lỗi xe ô-tô đến kiểm định và cấp giấy đăng kiểm. Các đối tượng gồm: Thân Văn Hòa, Trần Văn Quyền, Trần Văn Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến, đều là Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 98-06D và Trương Ngọc Tân, nhân viên đăng kiểm của Trung tâm này đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra xin đầu thú, khai nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền nhiều tỷ đồng, sau đó chia nhau theo tỷ lệ thỏa thuận đã thống nhất từ trước. Hai đối tượng liên quan trong vụ án đã nộp 1,45 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Liên quan đến việc đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn các tỉnh, TTXVN báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (05/01) thông tin, mở rộng điều tra các vụ án “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre; ngày 04/01/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với một số cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội Nhận hối lộ. Theo đó, các đối tượng gồm: Trần Anh Quân, Quyền Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới và Phạm Đức Ngọc, chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (03/01-06/01) thông tin thêm, theo báo cáo của Công an TP. Hồ Chí Minh, tới thời điểm này đã khám xét 12 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 06 vụ án, 43 bị can làm rõ về các tội danh: Môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác. Ước tính hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng làm luật, các trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định, tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách kiểm định viên ảo, hợp thức hóa quy định của Chính phủ khi thành lập trung tâm đăng kiểm như phải có 03 kiểm định viên, phải có 01 kiểm định viên bậc cao. Trong quá trình điều tra, đã phát hiện có giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, khi điều tra viên hỏi thì không viết được và không đọc được. Người này khai mới học lớp 3 cách đây 50 năm nhưng lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh). Đây là một loại virus Việt Á trong kiểm định phương tiện, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, số lượng bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
 
    TTXVN, Đài THVN và các báo (05/01) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên án phạt tù đối với 03 bị cáo trong vụ án hình sự sơ thẩm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thế Quang (nguyên Chánh văn phòng) 10 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Lựu (nguyên Kế toán, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị) 06 năm 06 tháng tù; bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (Kế toán) 05 năm tù. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử trước đó, bị cáo Quang không thừa nhận việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ra chủ trương này mà làm vì cái chung. Còn bị cáo Lựu, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, chứ bản thân không nhận tiền. Riêng bị cáo Huyền Vi đã thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết thời điểm làm dự toán có phát hiện “chi chưa đúng”, đồng thời đã đưa 07 biên chế chi trùng này ra khỏi danh sách nhưng bị cáo Lựu không đồng ý. Trước đó vào cuối năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phát hiện sai phạm trong công tác tài chính tại Văn phòng Đoàn đại biểu và HĐND tỉnh Gia Lai từ năm 2013-2016 với số tiền hơn 11,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội có 07 cán bộ biên chế đã được Văn phòng Quốc hội cấp lương nhưng 03 bị can trên đã có hành vi lập dự toán trùng 07 biên chế trên gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Tuổi trẻ TP.HCM, Tiền phong, SGGP, Pháp luật Việt Nam, Dân Việt, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (05/01) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đối với hai bị can trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo đó, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét đối với ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Cả hai bị can nêu trên cùng bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (06/01) đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với 28/74 bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai do án sơ thẩm xử dưới khung. Lý do kháng nghị tăng nặng mức hình phạt là bởi, đây là vụ án mà các bị cáo bị xét xử với khung hình phạt đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại được áp dụng hình phạt dưới khung và cả hình phạt tiền. Trước đó, ngày 08/12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên vụ án buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G) đối với 74 bị cáo về tội danh “buôn lậu” và “nhận hối lộ”. Theo đó, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng 17 năm tù; Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh 16 năm tù; Nguyễn Minh Đức, Công ty TNHH dầu khí Vượng Đạt 10 năm tù cùng về tội “buôn lậu”. 03 bị cáo Viễn, Hữu và Đức giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu do đã bàn bạc, góp vốn mua xăng từ Singapore vận chuyển bất hợp pháp về Việt Nam tiêu thụ, nhằm thu lợi bất chính. Hành vi của các bị cáo diễn ra thường xuyên, lặp lại nhiều lần, từ tháng 3/2020 đến tháng 02/2021. Nhiều bị cáo buôn lậu xăng dầu nhận mức án bằng thời gian tạm giam
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (06/01) thông tin, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa 06 năm 06 tháng tù; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch tỉnh và Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch tỉnh đều bị tuyên mức án 05 năm 06 tháng tù, cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. 10 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là 04 năm 06 tháng tù. 13 bị cáo trên bị cáo buộc sai phạm khi giao khu đất rộng trên 7.300 m2 ở trung tâm thành phố Nha Trang cho Công ty Cổ phần Thanh Yến làm dự án. Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc doanh nghiệp trên tiếp tục được giao sử dụng khu đất hơn 7.300 m2 của Trường Chính trị Khánh Hòa (cũ) và phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp luật về đất đai. Công ty này còn bị buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 262 tỷ đồng do đây là khoản tiền hưởng lợi từ hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì thế, các bị cáo không phải thực hiện trách nhiệm dân sự bồi thường gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Lao động, Dân trí, Tuổi trẻ TP.HCM, Công lý, Thanh niên, Đại đoàn kết, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (07/01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Vấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thái Vấn tại huyện Mường Tè. Theo điều tra, Công an Lai Châu xác định, năm 2014, doanh nghiệp tư nhân Thái Vấn, nay là Công ty TNHH một thành viên Thái Vấn, được UBND tỉnh Lai Châu cấp phép thăm dò khoáng sản mỏ đá Nậm Khao, ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) với thời hạn thăm dò là 09 tháng. Mặc dù chưa được cấp phép khai thác nhưng Nguyễn Văn Vấn vẫn tổ chức khai thác đá trái phép. Tính riêng từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2020, Công ty TNHH một thành viên Thái Vấn đã xuất bán trái phép hơn 27.000m3 đá các loại với giá trị hơn 6,3 tỷ đồng.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài TNVN, Đài THVN và các báo (08/01) dẫn nguồn tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, kết quả xác minh ban đầu xác định, Đinh Thị Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lao Base Barite thực hiện dịch vụ khai báo hải quan hàng hóa quá cảnh là quặng Barite cho Công ty Shanghai Chongming Minerals Lao Co.,LTD. Từ tháng 5/2022 đến tháng 11/2022, Hòa đã đưa cho các cán bộ hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn hơn 2 tỷ đồng để thực hiện thủ tục thông quan cho hơn 5.000 lượt ôtô chở quặng quá tải tại cửa khẩu này trái quy định. Những người nhận tiền của Hòa gồm có Phan Văn Nhâm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nậm Cắn; Ngô Xuân Khang, Đội trưởng Đội nghiệp vụ; Đặng Minh Sơn, công chức Đội nghiệp vụ. Ngày 29/12/2022, cơ quan chức năng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 03 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn về tội “Nhận hối lộ”. Đồng thời, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Đinh Thị Hòa về tội “Đưa hối lộ”.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh Tra (04/01) đưa tin, Iraq đã thu hồi được thêm 2,6 triệu USD công quỹ bị rút ruột từ tài khoản của Chính phủ. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong vụ thất thoát 2,5 tỷ USD từ cơ quan thuế gây rúng động Iraq. Vụ bê bối được truyền thông trong nước mô tả là “vụ trộm cắp của thế kỷ”, liên quan đến các doanh nhân và cựu quan chức Chính phủ cấp cao. Vụ bê bối được phanh phui hồi tháng 10 năm ngoái, khi một cựu bộ trưởng tiết lộ rằng 3,7 nghìn tỷ dinar Iraq (gần 2,5 tỷ USD) đã bị cơ quan thuế biển thủ. Theo Bộ Tài chính Iraq, số tiền này đã bị đánh cắp từ tài khoản của Tổng cục Thuế tại một chi nhánh của Ngân hàng Rafidain. Theo tài liệu từ cơ quan thuế của Iraq, khoản tiền 3,7 nghìn tỷ dinar được cho là đã bị rút trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022, sau đó đã được chuyển tới tài khoản của 5 công ty khác nhau thông qua 247 tờ séc và ngay lập tức được rút khỏi các tài khoản đó. Chủ sở hữu của những tài khoản - hầu hết trong số họ đang chạy trốn - là đối tượng của các lệnh bắt giữ.
 
    Báo Thanh Tra (05/01) cho biết, một tòa án Indonesia đã kết án tù cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, gây tổn thất cho nhà nước. Tổng Chưởng lý Indonesia Sanitiar Burhanuddin hồi tháng 4 năm ngoái đã tuyên bố mở cuộc điều tra về các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ vào thời điểm Indonesia rơi vào khủng hoảng thiếu nguồn cung trong nước, khiến Chính phủ phải quyết định hạn chế xuất khẩu dầu cọ và các chất dẫn xuất, yêu cầu các công ty phải đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi được phép xuất khẩu. Trong một tuyên bố trên truyền hình, Tổng Chưởng lý Sanitiar Burhanuddin cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra và đã tìm thấy những dấu hiệu mạnh mẽ về tội tham nhũng liên quan đến việc cấp giấy phép xuất khẩu cho dầu cọ”. Trong vụ việc này, Indrasari Wisnu Wardhana, cựu Tổng Giám đốc Thương mại Quốc tế của Bộ Thương mại Indonesia, bị kết tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn và gây tổn thất cho nhà nước. Theo luật sư, Indrasari bị kết án 03 năm tù. Trước đó, các công tố viên đã yêu cầu thời hạn tù là 07 năm.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin: 
 
    - Khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV;
    - Khởi tố 05 lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 98-06D ở Bắc Giang; 03 cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;
    - Khởi tố thêm 02 bị can có liên quan đến Công ty Việt Á;
    - Xét xử vụ AIC: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù;
    - Khởi tố thêm 02 bị can trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.