Điểm báo tuần số 360 từ ngày 23/3 đến ngày 28/3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 30/03/2020, 10:55 [GMT+7]
 
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Tài nguyên và Môi trường, Sức khỏe và Cộng đồng, Hải quan, Biên Phòng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (23/3) đồng loạt phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo chương trình, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của 06 dự án luật, bao gồm: Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến (lần đầu) về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Về các vấn đề kinh tế - xã hội, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung sau: Việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính; Cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, An Giang, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/3) đưa tin, Đoàn công tác của Ban Bí thư làm việc với Tỉnh ủy An Giang về kết quả thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; tập trung cao trong việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2020. Tỉnh đã thực hiện tốt việc thí điểm một số chủ trương như: mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại bốn huyện, thành phố; mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở hai huyện… Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị nghiêm túc và có sự đổi mới; công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp ở tỉnh bước đầu bảo đảm yêu cầu đề ra. Tỉnh An Giang cần tiếp tục tập trung triển khai tốt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị; các văn kiện đại hội đảng bộ từ cấp huyện đến cấp tỉnh cần có sự đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội phải bảo đảm tính dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; cần có nhân tố mới cho đại hội, lựa chọn người có tài, coi trọng phẩm chất đạo đức, uy tín của cán bộ; trong quá trình triển khai công tác tổ chức đại hội đảng các cấp, tỉnh cần làm tốt việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tiền Phong, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, VietnamNet (26/3) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật; vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện, xử lý ngay, không để phát sinh thêm vi phạm. Tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật. Trong quá trình xử lý, cần rà soát, phân loại rõ trường hợp người dân đã đến sinh sống ổn định lâu dài với trường hợp người dân từ nơi khác đến phá rừng, chiếm đất bất hợp pháp, có biện pháp xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm, phải xem xét, xử lý hình sự, nhất là đối với các đối tượng băng, nhóm xã hội đen. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, nhất là công tác cán bộ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang phát huy mô hình tổ liên ngành, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn huyện Phú Quốc, không để các đối tượng xã hội đen lộng hành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự. Tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian vừa qua. UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên trước ngày 01/7/2020.
 
    Báo Nhân Dân, Thanh tra, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, TTXVN (28/3) theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã ra thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với một số tập thể và cá nhân. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV nhiệm kỳ 2015 - 2020, do đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty có những sai phạm dẫn đến nhiều đồng chí trong Ðảng ủy, Ban Thường vụ Ðảng ủy mắc sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai, quản lý tài chính và thực hiện các dự án, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, dẫn đến bị xử lý kỷ luật, có người bị khởi tố tạm giam. Ðối với Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Lê Việt Hùng, Phó Bí thư Ðảng ủy, Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty; thi hành kỷ luật khiển trách đối với các đồng chí Nguyễn Huy Quang, Ðảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Công ty; Nguyễn Thị Phương Lan, Kiểm soát viên chuyên trách; Nguyễn Diệu Lê, nguyên Kiểm soát viên chuyên trách. Về các vi phạm tại Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Hoàng Như Cương, nguyên Bí thư Ðảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Thanh tra (28/3) đưa tin, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị. Kết luận nêu rõ, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ theo Thông báo kết luận số 43 của Bộ Chính trị; rà soát, xử lý các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục trong công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra, thanh tra cho thấy, còn vướng mắc, bất cập, chưa thống nhất trong việc xử lý những trường hợp sai phạm liên quan công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trường hợp đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc là nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa thực hiện đúng quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp có sai phạm đã được phát hiện. Những trường hợp được tuyển dụng từ thời điểm ngày 28/12/2017 trở về trước mà không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện, quá thời hạn này thì thu hồi quyết định tuyển dụng… Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thành trong tháng 4/2020. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị sớm khắc phục các khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ; nhất là việc xử lý các trường hợp vi phạm.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, TTXVN (28/3) cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NÐ-CP của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, kèm theo Quyết định số 432/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định; các thông tin, văn bản liên quan phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng và hoạt động phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị định trong bộ, ngành, địa phương mình; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Quốc phòng - Cơ quan đầu mối quốc gia để tổng hợp theo quy định).
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Nông nghiệp, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Xây Dựng, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/3) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số đơn vị liên quan, dẫn đến BIDV bị mất hàng nghìn tỷ đồng. Trong số các bị can bị đề nghị truy tố, có: Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Trước đó, trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt giam Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Trần Bắc Hà đã chết trong trại giam vì bệnh hiểm nghèo, cho nên Cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với bị can này. Cơ quan điều tra đang ra quyết định truy nã hai đối tượng khác trong vụ án này, khi bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Xây Dựng, Người lao động, Kinh tế và Đô thị (25/3) cho biết, Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Lê Hoài Bảo, nguyên cán bộ kinh tế - phụ trách địa chính xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, 3 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Công Thịnh, nguyên Trưởng ban Nhân dân ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, 01 năm tù giam, cả 2 cùng bị xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Theo hồ sơ vụ án, Bảo và Thịnh làm trái công vụ, không thực hiện đúng quy định về công tác kiểm tra địa bàn trong lĩnh vực xây dựng, không kịp thời lập hồ sơ xử lý hàng chục trường hợp vi phạm xây dựng không phép tại ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A. Bị cáo Thịnh khai nhận có thỏa thuận với bị cáo Bảo việc chung chi 150 triệu đồng với mục đích bảo kê xây dựng nhà không phép. Trái lại, Bảo không thừa nhận. Cơ quan Công an không tìm ra bằng chứng việc đưa nhận tiền nên chưa có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa, nhận hối lộ đối với hai bị cáo. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền Phong, Giao Thông, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, TTXVN (26/3) thông tin Tòa án Quân sự Quân khu 7 tổ chức xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Quốc Dũng về tội “nhận hối lộ”. Khi phạm tội, bị cáo giữ cấp hàm Đại tá, chức vụ Chánh thanh tra Xét khiếu tố, Thanh tra Bộ Quốc phòng.Theo bản án, từ ngày 4/6/2018 đến 13/6/20218, Đại tá Trần Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Xét khiếu tố, Thanh tra Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn Đoàn công tác của Thanh tra Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ xác minh nội dung đơn thư của cán bộ, công nhân viên và người lao động thuộc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng về việc mua và sử dụng 27,9 triệu lít dung môi Napsol-01 và Naphta nghi để pha chế xăng. Trần Quốc Dũng lợi dụng tư cách Trưởng đoàn xác minh đã thực hiện hành vi nhận số tiền 3,2 tỷ đồng  từ Chi nhánh Lũng Lô Miền Nam, để không xác minh mở rộng, đưa các sai phạm sang cơ quan điều tra. Kết thúc quá trình xét xử, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án phạt bị cáo Trần Quốc Dũng 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
 
    Báo Lâm Đồng, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress (27/3) đưa tin, Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Phụ, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Liên huyện phía Nam Lâm Đồng.  Theo kết quả điều tra bước đầu, ông Huỳnh Văn Phụ cùng một nhân viên Văn thư - Thủ quỹ của trường đã thông đồng, tham ô số tiền khoảng 11 tỷ đồng. Ông Phụ đã có thời gian làm hiệu trưởng trường này hơn 20 năm. Hiện, vụ án đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
 
    Báo Lao Động,Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (28/3) theo nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Các bị can bị khởi tố gồm Hoàng Duy Huân, cán bộ Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định Hải quan, Tổng cục Hải quan; Phùng Như Tùng, Trưởng Trung tâm phân tích, Cục Kiểm định Hải quan; Lê Khánh Hương, cán bộ Chi cục Kiểm định Hải quan 1, Cục Kiểm định Hải quan và Lê Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ địa chất, khoáng sản, Viện khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm của các bị can và trách nhiệm của những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (23/3) đưa tin, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Campuchia, với sự phối hợp của các cơ quan, đặc biệt là Đơn vị Tình báo Tài chính Campuchia, tổng cộng 75 vụ rửa tiền đã bị phơi bày; trong đó, 15 vụ đã đưa ra khởi tố. Các vụ bắt giữ được tiến hành ngay tại sân bay quốc tế và cửa khẩu trên cả nước. Giới chức Campuchia đã thu giữ gần 7,8 triệu USD và khoảng 24.000 USD tiền riel, 3 ngôi nhà, 1 lô đất và hơn 2.700 chiếc ô tô.Đây là kết quả chiến dịch hành động mạnh tay của Campuchia trong 1 năm qua, sau khi đất nước này bị đưa vào danh sách xám về rửa tiền toàn cầu.
 
    Báo Thanh tra (27/3) thông tin từ Cơ quan Công tố Malaysia cho biết, phiên xét xử cựu Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, người đang phải đối mặt với 47 cáo buộc, trong đó 12 cáo buộc liên quan đến vi phạm hình sự, 8 cáo buộc tham nhũng và 27 cáo buộc rửa tiền liên quan tới hàng chục triệu ringgit thuộc về Quỹ Yayasan Akalbudi sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 13/4. Ông cũng bị cáo buộc đã sử dụng sai mục đích Quỹ Akal Budi. Cụ thể, ông đã sử dụng 260.000 ringgit (gần 64.000 USD) từ quỹ này để thanh toán cho Công ty TS Consultancy and Resources. Ông Zahid là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
    - Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
 
    - Nguyên đại tá Thanh tra Bộ Quốc phòng lĩnh án 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
 
    - Đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án ngân hàng BIDV thất thoát 1.500 tỷ.
 
    - Bắt tạm giam 03 cán bộ Tổng cục Hải quan và 01 Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ địa chất, khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong vụ án buôn lậu.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.