Điểm báo tuần số 346 từ ngày 16-12 đến ngày 21-12 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 23/12/2019, 14:44 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nghệ An, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Biên Phòng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-12) cho biết, Ðoàn kiểm tra số 1150 của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An năm 2019, đây là nền tảng để địa phương tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt trong quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 18, đồng thời đã cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; quá trình thực hiện đã chuyển biến tích cực nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị; giảm đầu mối, giảm tổ chức; thí điểm một số mô hình: bí thư cấp ủy là chủ tịch HÐND, trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu ở một số tổ chức, cơ quan. Tỉnh đã thực hiện các bước sắp xếp lại các xã không đủ tiêu chí; tinh giản biên chế được 10,3%... Thực hiện Nghị quyết số 26, đến nay, Nghệ An đã có 13 trong số 21 bí thư cấp huyện không phải là người địa phương và đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành chủ trương này ở 21 huyện, thành phố, thị xã. Nghệ An cũng đã nỗ lực xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm; bố trí công an chính quy về xã… Ðồng chí Trương Thị Mai đề nghị Nghệ An tiếp tục khắc phục những điểm còn hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 18 với tinh thần quyết tâm, thực hiện một cách thận trọng, có bước đi chặt chẽ. Ðặc biệt tỉnh phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ để tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nghị quyết của Ðảng.
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Tài nguyên và Môi trường, Thời báo Tài Chính, Thời báo Ngân hàng, Thanh tra, Giao Thông, Xây Dựng, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (16-12) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Chỉ thị nêu rõ: Ðể thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, cơ quan Trung ương, địa phương ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Thanh tra, Gia đình và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội mới, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17-12) cho biết, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật, bộ luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ tám, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Thư viện; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong số các luật, bộ luật được công bố lần này, Bộ luật Lao động năm 2019 nhận được sự quan tâm của xã hội. Với 17 chương, 220 điều, Bộ luật sửa đổi, bổ sung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm, cụ thể: Quy định tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng bốn tháng đối với nữ và mỗi năm tăng ba tháng đối với nam, bắt đầu từ năm 2021. Quyền nghỉ hưu sớm hơn và nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. Bên cạnh đó, Bộ luật quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động. Ngoài ra, nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng; bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2-9; bảo đảm hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động; Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương; bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên và sửa đổi các luật liên quan. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021...
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân Dân, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Tài nguyên và Môi trường, Biên Phòng, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-12) đồng loạt phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam; xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/4/2019. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Chủ trương xây dựng chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035; Chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ tám và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Hải Quan, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-12) đưa tin, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020 với nội dung “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến tới hơn 70 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 600 điểm cầu cấp huyện, hơn 2.300 điểm cầu cấp xã với khoảng 500 nghìn đại biểu tham dự.Tại hội nghị, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương phổ biến, hướng dẫn triển khai chuyên đề. Theo đó, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nội dung đột phá liên quan tới nội dung của chuyên đề năm 2020 để tập trung giải quyết; phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, sử dụng đất đai, sử dụng thời gian; thực hiện các nghị quyết Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch hướng dẫn, lồng ghép thực hiện chuyên đề với việc triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội các cấp; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.Các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch tuyên truyền nội dung của chuyên đề, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến; gắn nội dung chuyên đề với tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng, 75 năm Cách mạng Tháng Tám, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… và phong trào thi đua, thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, học tập, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục Việt Nam, Văn Hóa, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20-12) phản ánh các nội dung Hội nghị định kỳ để đánh giá toàn diện các mặt công tác của lực lượng công an nhân dân (CAND) năm 2019 và định hướng chương trình công tác trọng tâm năm 2020. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2019, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trong nước; chủ động bảo đảm an ninh từ xa, giữ vững an ninh, chính trị của đất nước. Thủ tướng nêu rõ, lực lượng CAND đã chủ động xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đồng chí yêu cầu lực lượng CAND cần tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa việc bố trí, sắp xếp lại lực lượng theo đúng phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, Bộ Chính trị đã có chủ trương, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai và hoàn thành ngay trong quý I năm 2020. Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần lựa chọn thật tốt nhân sự công an tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2026.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Thanh Tra, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16-12) đồng loạt đưa tin về phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong số các bị cáo có bị truy tố về tội "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", có: Bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, đều là nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Phạm Ðình Trọng, nguyên Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; Võ Văn Mạnh (SN 1976, nguyên Giám đốc Công ty AMAX; Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone; Cao Duy Hải , nguyên Tổng Giám đốc Mobifone; Phan Thị Hoa Mai, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; cùng năm nguyên Phó Tổng Giám đốc Mobifone gồm: Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Ðăng Nguyên, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng. Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG bị truy tố về tội "Ðưa hối lộ". Ngoài ra, bốn bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà bị truy tố thêm tội "Nhận hối lộ".Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 31/12/2019.
Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Đài TNVN (16-12) dẫn nguồn tin từViện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết;Nguyễn Trí, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường (đã nghỉ hưu) và Lê Hồ Khải, nhân viên hợp đồng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phan Thiết về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2016, các bị can đã thẩm định, tham mưu, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trái quy định với tổng diện tích 46.865m2.
Báo Nhân Dân, Bà Rịa - Vũng Tàu, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Đài TNVN, TTXVN (17-12) cho biết, Đoàn công tác số 3 do đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, triển khai thực hiện Kế hoạch số 222-KH/BCĐTW ngày 26-9-2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, đoàn thực hiện kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số cấp ủy, tổ chức và cơ quan chức năng. Theo báo cáo, từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, các cơ quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận hơn 5500 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; trong đó có 107 tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ. Tỉnh đã tổ chức tốt việc tiếp nhận tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố; tạo điều kiện bằng nhiều hình thức để người dân, các tổ chức cung cấp thông tin về tội phạm; theo dõi đầy đủ và kịp thời phân loại theo thẩm quyền, tiến hành giải quyết theo đúng quy định, không để sót nguồn tin chưa giải quyết hay giải quyết không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong công tác này, điển hình như công tác giám định tài chính, định giá tài sản, giám định một số lĩnh vực chuyên ngành còn chậm, kéo dài, ảnh hưởng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực về quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; một số vụ việc khi chuyển qua xác minh chưa kịp thời nên gặp khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ kết luận vụ việc.
Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Công lý, Báo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Phụ nữ Việt Nam, Giao Thông, Xây Dựng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (17-12) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, để điều tra về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra Quyết định khởi tố bị can đối với 2 nhân viên của Phòng Tài nguyên – Môi trường Phan Thiết là Lê Hồ Khải và Nguyễn Trí. Theo kết luận, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018, ông Điệp đã trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định pháp luật, với tổng diện tích hơn 46.000 m2. Đồng thời liên đới trách nhiệm khi để ông Trần Hoàng Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết ký 100 quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Hiện ông Đỗ Ngọc Điệp vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐND TP. Phan Thiết và đang chờ các thủ tục miễn nhiệm chức danh này. Trước đó, vào ngày 9/12, Tỉnh uỷ Bình Thuận đã công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đỗ Ngọc Điệp.
Báo Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, TTXVN (18-12) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc. Các bị can bị khởi tố gồm: Bùi Thế Tân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phúc; Trần Thành Tám, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc; Trần Văn Sỹ, nguyên cán bộ địa chính xã Mỹ Phúc; Trần Văn Nhiệm, nguyên Bí thư kiêm Trưởng thôn Lốc, xã Mỹ Phúc. Đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can khác. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, UBND xã Mỹ Phúc và chính quyền thôn Lốc đã bán trái thẩm quyền 544m² đất sân vận động, thu số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, để 95 trường hợp xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, đào ao và làm vườn trên diện tích 39.994,5 m² đất trồng lúa, đất giao thông và đất thủy lợi…Công an tỉnh Nam Định đang tiếp tục củng cố hồ sơ điều tra về vụ án.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, TTXVN (19-12) thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã ra quyết định khởi tố 06 bị can có dấu hiệu phạm tội “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ”. Trong số bị can có Trần Hùng Cường, cán bộ phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh; Phạm Thị Thúy, cán bộ Thương binh xã hội xã Đông Cường, huyện Đông Hưng; Phạm Thị Tâm, cán bộ Thương binh xã hội xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng; Mai Thị Nghi, cán bộ Thương binh xã hội xã Thăng Long, huyện Đông Hưng; Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ Phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình. Các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn. Hiện, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Báo Nhân Dân, Tây Ninh, Quân đội nhân dân, Biên Phòng, Thanh Niên, Đài THVN, Đài THVN, TTXVN (21-12) đưa tin, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn, làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao công tác chỉ đạo quán triệt các quy định của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tính công khai minh bạch của các hoạt động công vụ tại Tây Ninh trong thời gian vừa qua. Đồng thời lưu ý tỉnh cần tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện tốt các nội dung, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tiết kiệm, không tham nhũng của từng cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các vụ việc, vụ án liên quan tham nhũng.
Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Người lao động, VietnamNet, TTXVN (21-12) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 04 bị can, gồm: Lê Văn Vũ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy; Huỳnh Trung Thanh, Lê Hồng Khánh và Trần Tuấn Anh, đều là chuyên viên thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy, phạm vào tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Các bị can nêu trên có hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa sai quy định; để xảy ra việc chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất công, hình thành nhiều khu dân cư tự phát…
TIN QUỐC TẾ
Thông tấn xã Việt Nam (17-12) đưa tin, Ủy ban Bài trừ Tham nhũng của Indonesia đã cáo buộc ông Nurhadi Abdurachman, cựu Tổng Thư ký Tòa án tối cao và hai người khác tội nhận hối lộ liên quan đến 3 vụ án, bao gồm: Vụ kiện dân sự của Công ty Multicon Indrajaya Terminal (MIT) chống lại Công ty Kawasan Berikat Nusantara, vụ kiện tranh chấp cổ phần tại MIT và một vụ kiện khác liên quan đến tranh chấp đất đai được xét xử trong giai đoạn 2011-2016. Ông Nurhadi đã nhận 9 tờ séc từ MIT và các khoản hối lộ khác với tổng trị giá 46 tỷ rupiah (khoảng 3,2 triệu USD).
Báo Thanh tra (19-12) cho biết, tháng 3/2019 bà Luz Mijangos Borja được bổ nhiệm Trưởng Công tố Chống tham nhũng của Mexico, chỉ trong 8 tháng, 680 vụ việc tham nhũng đã được tiến hành điều tra. Văn phòng Công tố Chống tham nhũng được xác định là một trong những đơn vị quan trọng trong hệ thống chính quyền của Tổng thống Mexico Lopez Obrador. Sau khi nhậm chức tháng 12/2018, Tổng thống Lopez Obrador cam kết sẽ loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng tại quốc gia Bắc Mỹ này. Quyết tâm chống tham nhũng thể hiện rõ nhất vào tháng 3 vừa qua, khi Thượng viện Mexico đã thông qua cải cách Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống là loại bỏ quyền miễn trừ và tạo cơ sở pháp lý để đưa người đứng đầu Chính phủ ra xét xử trong trường hợp tham nhũng.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật, bộ luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8.
- Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũngtại tỉnh Tây Ninh.
- Xét xử sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
- Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG