Quảng Bình: Kết quả việc triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021" năm 2020

Thứ Ba, 12/01/2021, 05:27 [GMT+7]
    Năm 2020 là năm thứ hai tỉnh Quảng Bình thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” do Thủ tướng Chính phủ ban hành; đây cũng là năm quyết định hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, ngay từ đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt; trong đó, phải kể đến kết quả của việc triển khai, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” (gọi tắt là Đề án). 
 
    Trên cơ sở Kế hoạch số 1440/KH-UBND, ngày 04/9/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án, ngay sau khi ban hành, các tổ chức, cá nhân, công dân đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh PCTN; nhờ đó, năm 2020 các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các đơn vị trong tỉnh tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của đơn vị, địa phương mình theo yêu cầu của UBND tỉnh; việc quán triệt, triển khai, thực hiện Đề án được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về PCTN, đồng thời phù hợp với tình hình, đặc điểm ở địa phương, đơn vị; được tiến hành đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, gắn với việc thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về PCTN; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thường xuyên đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về PCTN. 
 
Một buổi tuyên truyền pháp luật của Công an tỉnh Quảng Bình tại trường THPT Đào Duy Từ
Một buổi tuyên truyền pháp luật của Công an tỉnh Quảng Bình tại trường THPT Đào Duy Từ
    Đổi mới mạnh mẽ nội dung TTPBGDPL theo hướng kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về PCTN với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức...; đổi mới mạnh mẽ phương thức TTPBGDPL, bảo đảm tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông; kế thừa và phát triển các kết quả, mô hình, kinh nghiệm TTPBGDPL về PCTN; đồng bộ, thống nhất và phối hợp với các chương trình, hoạt động TTPBGDPL nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng... Năm 2020, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 46 hội nghị/cuộc họp/lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN cho 3.860 lượt người với 163.290 tài liệu tuyên truyền pháp luật (có lồng ghép tuyên truyền pháp luật về PCTN) được in ấn, phát hành. Trong đó, 08 huyện, thị, thành phố đã tổ chức được 33/46 hội nghị/cuộc họp/lớp cho 3.390 lượt người.
 
    Đặc biệt, việc lựa chọn xây dựng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN đã góp phần rất lớn trong hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng năm 2020. Các mô hình TTPBGDPL về PCTN được thực hiện thông qua các hình thức; trong đó, nổi bật với hình thức xây dựng và đưa vào vận hành Facebook: Phổ Biến Pháp luật (Quảng Bình) và Fanpage: Phổ biến và giáo dục pháp luật - Quảng Bình; đã đăng tải nhiều lượt tin, bài có nội dung tuyên truyền về công tác PCTN trên Chuyên trang PCTN thuộc Cổng thông tin điện tử Quảng Bình; Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp Quảng Bình và lồng ghép tuyên truyền trên nhiều Trang thông tin điện tử của các đơn vị khác. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Giai đoạn 1 Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2020” thu hút 42.445 lượt thí sinh tham gia, đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, hiện nay, đang triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2020” Giai đoạn 2... Tại hệ thống các trường học, việc lựa chọn các mô hình điểm để tuyên truyền PCTN được thực hiện có hiệu quả, như: Đại học Quảng Bình; Cao đẳng nghề; Cao đẳng kỹ thuật Công Nông nghiệp đã lựa chọn xây dựng mô hình điểm TTPBGDPL về PCTN thông qua hình thức Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường tập trung lựa chọn Ban chấp hành Đảng ủy, cấp ủy Chi bộ, các đảng viên, các cán bộ cốt cán trong nhà trường là mô hình điểm để TTPBGDPL về PCTN (tuyên truyền lồng ghép vào các đợt họp Đảng ủy mở rộng, các buổi sinh hoạt Chi bộ, các cuộc họp Hội đồng nhà trường); lựa chọn học sinh, sinh viên bậc học trung cấp, cao đẳng là đối tượng thường xuyên để TTPBGDPL về PCTN (tuyên truyền thông qua giáo dục chính khóa, hoạt động ngoại khóa do Ban chấp hành Đoàn trường tổ chức, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật do Ban phổ biến giáo dục pháp luật của Trường tổ chức). Hay tổ chức Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” tại Trường THPT Đồng Hới, Trường THPT Phan Đình Phùng...
Có thể thấy, năm 2020, tỉnh Quảng Bình đã tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng; đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần giữ vững ổn định an ninh - chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.
 
Lê Hà Anh Tâm (Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình) 
 
.