Thái Nguyên: Một số kết quả trong phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng

Thứ Tư, 06/06/2018, 14:42 [GMT+7]
    Thực hiện chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; đặc biệt là quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc công tác phòng, chống tham nhũng ngày 05-5-2014; kiến nghị của Đoàn công tác số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thái Nguyên; Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
 
Hội nghị giao ban công tác nội chính quý I-2018 của Tỉnh ủy Thái Nguyên (tháng 3-2018)
Hội nghị giao ban công tác nội chính quý I-2018 của Tỉnh ủy Thái Nguyên (tháng 3-2018)
    Qua công tác tự kiểm tra phát hiện 02 trường hợp có dấu hiệu tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ, đã xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc quân hàm đối cán bộ Công an huyện Đại Từ. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp được tăng cường. Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng của Trung ương và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy địa phương. 
 
    Trong 2 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 05 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy các cấp kiểm tra 582 đảng viên và 2.516 tổ chức đảng; qua kiểm tra có 111 trường hợp vi phạm, 55 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; 21 tổ chức đảng có vi phạm, 05 tổ chức vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã kiến nghị chuyển hồ sơ 07 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
    Đoàn công tác số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2011-2016) chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đồng thời giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm hạn chế về chất lượng điều tra, xử lý 07 vụ án kinh tế, tham nhũng. Đến nay, kiến nghị của Đoàn công tác đã được chấn chỉnh, khắc phục. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có báo cáo kết quả thực hiện và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa 07 vụ án ra khỏi diện giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Ngành Thanh tra đã tiến hành 1.529 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế là 62 tỷ 602 triệu đồng; đã xử lý các hình thức về kinh tế là 54 tỷ 12 triệu đồng (đạt 86,27%), trong đó: Thu hồi 17 tỷ 849 triệu đồng, giảm trừ quyết toán 21 tỷ 520 triệu đồng và xử lý khác 14 tỷ 641 triệu đồng. Cơ quan thanh tra chuyển 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra làm rõ. 
 
    Thông qua rà soát việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 của tỉnh Thái Nguyên, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo gợi ý kiểm điểm trách nhiệm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót trong công tác quản lý dự án tại huyện Đại Từ và hợp đồng lao động trong ngành giáo dục vượt định mức tại huyện Phú Lương. Các tập thể, cá nhân đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai sót theo kiến nghị của Kiểm toán.
 
    Cơ quan điều tra thụ lý 10 vụ/23 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 06 vụ/11 bị can; chuyển Cơ quan điều tra cấp quận của thành phố Thái Nguyên giải quyết theo thẩm quyền 03 vụ/12 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp phải giải quyết 07 vụ/12 bị can, đã truy tố 06 vụ/09 bị can, đang giải quyết 01 vụ/03 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử 09 vụ/16 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý 02 vụ án kinh tế, tham nhũng. Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc xử lý 10 vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết vụ việc, vụ án, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
 
    Tổng tài sản thiệt hại cần phải thu hồi qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là 17 tỷ 71 triệu  đồng, đã thu hồi được 988 triệu đồng, bằng 5,72%. Tổng tài sản thiệt hại phải thu hồi qua thi hành án là 32 tỷ 406 triệu đồng, đã thu hồi được 13 tỷ 81triệu đồng, bằng 40,37%.
 
    Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo; giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng được nâng lên, đã tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các vụ án tham nhũng, kinh tế được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, dư luận xã hội đồng tình, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa tham nhũng; xác minh, kịp thời làm rõ những vấn đề có biểu hiện tiêu cực, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm. 
 
    Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
                                                                                                    Cù Tất Dũng
;
.