Thái Bình: Hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

Thứ Sáu, 01/06/2018, 15:41 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm thống nhất về nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
 
    Các nội dung công khai để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng gồm: 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 09-01-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật). Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân. Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; nhận xét của cấp ủy nơi cư trú đối với đảng viên hàng năm; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình và nội dung phải công khai, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai gồm: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông báo tại hội nghị chi bộ; cơ quan, đơn vị; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội (nơi cán bộ, đảng viên công tác, sinh sống).
 
    Hướng dẫn quy định rõ các hình thức góp ý: Nhân dân gửi văn bản hoặc trực tiếp gặp cấp ủy, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để phản ánh; thông qua hòm thư góp ý, hệ thống thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng; thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng với nhân dân; qua tiếp xúc cử tri; thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kiểm điểm hàng năm; kiểm điểm tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); khi chuẩn bị làm quy trình đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử, ứng cử đối với cán bộ, đảng viên; thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề và các cuộc họp cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố.
 
    Nội dung, hình thức nhân dân giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng; giám sát đối với cán bộ, đảng viên với hình thức giám sát: Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khoá XI về Quy chế giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; thông qua gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương; qua phản ánh của các phương tiện truyền thông đại chúng; qua phản ánh của người có uy tín trong cộng đồng dân cư; thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản.
 
    Hướng dẫn được phổ biến đến chi bộ, công khai để nhân dân biết và tham gia thực hiện.
                                                                  Nguyễn Thị Khánh
                                                        (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
;
.