Hòa Bình: Đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Năm, 14/06/2018, 10:58 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình vừa ban hành văn bản số 363-CV/TU chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 
 
    Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, phát hiện những nơi còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khiếu kiện đông người để lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp giải quvết dứt điểm, không để phát sinh thành "điểm nóng”. Lãnh đạo, chỉ đạo rà soát từng vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, chưa giải quyết dứt điểm; xác định rõ nguyên nhân gốc của vụ việc và giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.
 
    Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02-7-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thông báo số 1174-TB/VPTU, ngày 20-10-2017 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, đưa công tác tiếp công, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, gặp gỡ, đối thoại với công dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết, tháo gỡ bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng hoặc khiếu kiện vượt cấp.
 
    Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và thực tiễn; tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện để giải quyết sát thực tế, thấu tình, đạt lý. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật.
 
    Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách, pháp luật nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa các cơ quan chức năng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
    Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan; khi có sai sót phải kịp thời cải chính, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02-7-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Đoàn Cần
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình)
;
.