Kon Tum: phát hiện 724 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Năm, 17/10/2013, 15:50 [GMT+7]

Báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: năm 2013 toàn tỉnh phát hiện 724 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng (giảm 181 vụ so với cùng kỳ năm 2012), trong đó: cơ quan Kiểm lâm phát hiện 211 vụ, Công an phát hiện 18 vụ, liên ngành phát hiện 369 vụ, chính quyền cấp xã phát hiện 21 vụ, chủ rừng phát hiện 98 vụ, các cơ quan khác phát hiện 07 vụ.

Các vi phạm tập trung vào những hành vi sau đây: Vi phạm quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 31 vụ; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng 04 vụ, gây cháy 2,6 ha; phá rừng trái phép 342 vụ, diện tích trên 75 ha; khai thác rừng trái phép 66 vụ với khối lượng gần 527 m3 gỗ tròn và 1920 kg gốc rễ các loại; vận chuyển lâm sản trái phép 98 vụ với khối lượng 142 m3 gỗ, 4336 kg gốc, rễ các loại, 20 kg thịt nai và 02 con vọoc chà và chân đen; mua bán, chế biến, cất dấu, kinh doanh gỗ và lâm sản khác trái phép 183 vụ với khối lượng 946,235 m3 gỗ quy tròn, 695 kg gốc rễ các loại. Cùng với áp dụng biện pháp xử lý hành chính như phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, bắt buộc khắc phục hậu quả; căn cứ tính chất và mức độ vi phạm, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 30 vụ với các tội danh: Hủy hoại rừng 22 vụ, theo Điều 189 Bộ luật hình sự; 07 vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng theo điều 175 Bộ luật hình sự; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật quý hiếm 01 vụ, theo Điều 190 Bộ luật hình sự.

Diện tích rừng Kon Tum hiện nay là 656.822,23 ha, trong đó: rừng tự nhiên 589.678,49 ha, rừng trồng 41.518,68 ha, rừng trồng cây công nghiệp và đặc sản khác 25.264,646 ha. Phân bổ 3 loại rừng gồm: rừng phòng hộ 164,601,09 ha, rừng sản xuất 404.754,35 ha, rừng đặc dụng 87.467,19 ha. Độ che phủ không tính diện tích rừng trồng cao su và cây đặc sản là 64,72%.

Khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum là: nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm, địa hình xảy ra vi phạm phức tạp, đa số đối tượng vi phạm là dân nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng nộp phạt nên giảm tính giáo dục, răn đe. Việc điều tra xử lý hình sự chưa kịp thời; số đối tượng phá rừng ngày càng manh động, liều lĩnh ngăn cản, chống lực lượng quản lý, bảo vệ rừng gây khó khăn cho việc ngăn chặn, bắt giữ. Số đầu nậu buôn gỗ trái phép chưa được phát hiện, triệt phá dứt điểm vẫn hoạt động tinh vi, móc nối với các phần tử tiêu cực để xâm hại tài nguyên rừng. Hầu hết các vụ khai thác rừng trái phép đều nằm ở khu vực xa dân cư, địa hình khó khăn nên việc tạm giữ, thu gom gỗ tang vật vi phạm hết sức khó khăn do chi phí vận chuyển cao và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Thời gian tới cơ quan kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Kon Tum quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tiếp tục hoàn thiện phương án và tổ chức thực hiện phương án xử lý, thu hồi toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm để trồng rừng; chấm dứt tình trạng mua bán, sang nhượng bất hợp pháp diện tích đất rừng do phá rừng trái phép. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát các chủ rừng về việc thực hiện phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra giám sát tận thu lâm sản, chuyển đổi đất rừng; đôn đốc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật./.

Thái Văn Ngọc
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)

;
.