Trung Quốc: Tăng nặng hình phạt đối với tội đưa hối lộ

Chủ Nhật, 14/01/2024, 01:48 [GMT+7]
    Những người đưa hối lộ hoặc làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đối mặt với hình phạt hà khắc hơn theo Luật Hình sự sửa đổi.
 
    Đây là bước đi mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng.
 
    China Daily ngày 2/1/2024 cho biết, trong Bản sửa đổi, bổ sung XII của Luật Hình sự, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 29/12/2023, việc đưa hối lộ nhiều lần, hối lộ nhiều quan chức nhà nước hoặc đưa hối lộ để thăng chức, được coi là một "tình tiết nghiêm trọng" cần phải bị phạt nặng hơn.
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
    Trong khi đó, những người hối lộ quan chức ở các cơ quan giám sát, hành chính, tư pháp hoặc trong các lĩnh vực môi trường, tài chính, an toàn sản xuất, thực phẩm, dược phẩm, cứu trợ thiên tai, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế cũng phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.
 
    Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự sẽ có hiệu lực vào ngày 1/3 tới.
 
    Ủy ban Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cho biết: “Những trường hợp này được quy định cụ thể trong luật sửa đổi vì đưa và nhận hối lộ đều là những vấn đề nghiêm trọng như nhau, cần phải giải quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng có hệ thống và lâu dài của đất nước... Đó cũng là yêu cầu của lãnh đạo trung ương”.
 
    Lâu nay những người đưa hối lộ tội nhẹ hơn nhiều so với nhận hối lộ. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy khó hạn chế tham nhũng. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng nặng mức phạt đối với tội đưa hối lộ sẽ giảm tham nhũng.
 
    Trong sự so sánh những kẻ đưa hối lộ chính là khởi nguồn của tham nhũng, Ủy ban Lập pháp cho biết thêm, “nếu không bị cấm thì những kẻ nhận hối lộ sẽ tiếp tục tồn tại, thế nên cần phải thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng tận gốc”.
 
    Vì vậy, Ủy ban đề nghị các cơ quan giám sát và tư pháp tăng cường điều tra những người đưa hối lộ và trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật, đồng thời kêu gọi duy trì sức ép cao đối với các quan chức tham nhũng.
 
    Ngoài ra, khi xem xét các công ty tư nhân đại diện cho khoảng 93% doanh nghiệp ở Trung Quốc, Ủy ban cho biết một số cáo buộc hình sự chỉ áp dụng với nhân viên công ty thuộc sở hữu nhà nước sẽ được mở rộng đối với những người làm việc cho công ty tư nhân, theo luật sửa đổi.
 
    Các tội danh này bao gồm tìm kiếm lợi ích bất hợp pháp cho bạn bè, người thân, chiết khấu cổ phiếu ở mức giá thấp và bán tài sản của doanh nghiệp.
 
    "Việc mở rộng nhằm mục đích chống tham nhũng trong các công ty tư nhân, để quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp có thể được bảo vệ tốt hơn", Ủy ban cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh: "Động thái này cũng nhằm đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật".
 
    Dữ liệu do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố hồi tháng 2 năm ngoái cho thấy, 78.000 người liên quan đến tội phạm thi hành công vụ đã bị truy tố trong 5 năm qua, trong đó 104 người là cựu quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên và khoảng 14.000 người đưa hối lộ.
 
    Trong khi đề xuất các giải thích tư pháp được xây dựng kịp thời để đảm bảo áp dụng chính xác Luật Hình sự sửa đổi, Ủy ban cũng nhắc nhở các cơ quan thực thi pháp luật xem xét đầy đủ Luật Doanh nghiệp mới sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hai luật.
 
    Bản sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 29/12/2023, có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, đã đưa ra các quy định để điều chỉnh tổ chức công ty, với sự bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với các cổ đông, nhân viên và người cho vay.
Theo thanhtra.com.vn
.