Công tác thi hành án dân sự năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực

Thứ Hai, 09/12/2024, 03:27 [GMT+7]
    Năm 2024, công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực, tổng số việc phải thi hành 1.021.783 việc (có điều kiện thi hành 739.974 việc, đã thi hành xong 620.657 việc (đạt tỷ lệ 83,88%), tăng 0,62% so với năm 2023); tổng số tiền phải thi hành là gần 495 nghìn tỷ đồng (có điều kiện thi hành hơn 224.775 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 51,84%), tăng 5,06% so với năm 2023). Kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng: Đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với hơn 30.544 tỷ đồng.
 
    Về công tác thi hành án dân sự, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định; Các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023); số bản án bị hủy, hoãn, tạm đình chỉ thi hành: 11 bản án; số bản án đang tiếp tục thi hành: 1.066 bản án, trong đó chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2023 và năm 2024; Về công tác theo dõi thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án.
 
Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
    Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch triển khai Quy định số 132-QĐ/TW và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025; ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 196-KH/BCSĐ. Bộ Quốc phòng chú trọng quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ công chức làm công tác thi hành án vững mạnh về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện bổ nhiệm các chức danh cán bộ lãnh đạo đúng quy định.
Bộ Tư pháp cũng đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là kết luận thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, các tồn tại, hạn chế được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời, các vi phạm cần xem xét trách nhiệm được thực hiện, xử lý nghiêm túc.
 
    Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 9.211 việc, tương ứng với hơn 22.177 tỷ đồng (đạt hơn 57% tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023). Năm 2024 cũng là năm kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian gần đây, và đặc biệt trong thời gian tới đây, đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức, do phát sinh các vụ án tham nhũng, kinh tế với giá trị phải xử lý lớn, khối lượng đương sự đông. Đơn cử như vụ Tân Hoàng Minh, giá trị phải thi hành hơn 8.600 tỷ đồng, số lượng người bị hại là 6.800 người; vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 có giá trị phải thi hành trên 700.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 có giá trị phải thi hành trên 30.000 tỷ đồng, số lượng người bị hại trên 43.000 người...
                                                            Trần Vương
.