Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế
Thứ Hai, 13/10/2014, 10:11 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 11-10, tại Vĩnh Phúc, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Dự án GIZ tổ chức Hội thảo “Thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Đại diện Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và cán bộ, chuyên viên các Cục, Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ tham dự Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận: Tình hình thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng - những thuận lợi, khó khăn, kết quả và tồn tại; Việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN); Kinh nghiệm quốc tế trong công tác PCTN; Kết quả đánh giá quốc gia thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam.
Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, mặc dù việc thực thi Luật PCTN (sửa đổi) năm 2012 đã đạt được một số kết quả nhất định song một số chính sách trong PCTN đã được đề ra nhưng khâu hướng dẫn thi hành còn chậm, thiếu cụ thể; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa được sâu rộng đến cấp cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân; việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế; việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai đầy đủ theo quy định; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn ít, chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng thành lập trong các cơ quan quản lý nhà nước chưa được trao thẩm quyền đặc biệt so với hoạt động bình thường của cơ quan nên việc trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xử lý một số vụ án tham nhũng có nơi hiệu quả chưa cao...
Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng, theo ông Phan Văn Minh - Vụ trưởng Vụ 1, Văn phòng Chính phủ, vấn đề cốt lõi là cần phải tập trung xử lý, giải quyết tệ đưa và nhận hối lộ. Đây là gốc của vấn đề chống tham nhũng, từ nhận hối lộ dẫn đến hành vi “thiếu trách nhiệm”,”cố ý làm trái” trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư cơ bản…
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề có yếu tố quyết định trong PCTN, nhất là trong thu hồi tài sản tham nhũng. Các đại biểu đề xuất quy định việc mua bán tài sản có giá trị lớn phải thanh toán qua tài khoản, không được dùng tiền mặt; giao một cơ quan ở trung ương làm đầu mối quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm soát, tiếp nhận, xử lý thông tin về tài sản, thu nhập. Việc kê khai hàng năm chỉ nên áp dụng đối với các vị trí, chức danh được bầu, bổ nhiệm tương đương từ Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Bổ sung hình thức công khai bản kê khai tài sản trên trang thông tin điện tử nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Phương Thảo
;