Tọa đàm "Quyền của bị cáo trong hệ thống pháp luật hình sự Hoa Kỳ"

Thứ Năm, 09/10/2014, 14:49 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 7-10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Tọa đàm "Quyền của bị cáo trong hệ thống pháp luật hình sự Hoa Kỳ". Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện nghiên cứu lập pháp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì buổi tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành về tư pháp hình sự của Hoa Kỳ đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của hệ thống pháp luật hình sự Hoa Kỳ về quyền của bị cáo. 
Theo đó, quyền của bị cáo tại Hoa Kỳ được bảo đảm theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, Công ước chống tra tấn và pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ. Ngay từ giai đoạn bắt giữ và thẩm vấn, pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ quy định: Một cá nhân chỉ bị bắt giữ khi (1) Có lệnh bắt giữ do Thẩm phán ban hành và (2) Cảnh sát có cơ sở chính đáng để cho rằng người đó đang phạm tội hoặc đã phạm tội. Trong quá trình bị tạm giữ, bất kỳ phát ngôn nào của bị can được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ quy trình tố tụng nào. Nếu thẩm vấn bị can đang bị giam giữ, cảnh sát phải thông báo cho bị can biết họ có 03 quyền quan trọng: quyền được giữ im lặng; quyền được tiếp cận luật sư (trường hợp bị can không đủ khả năng mời luật sư, sẽ có luật sư được chỉ định) và bất kỳ điều gì bị can nói ra đều có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại bị can tại phiên tòa. Tại phiên tòa, bị cáo được dẫn giải ra trước Thẩm phán, được thông báo về tội danh bị cáo buộc; được cung cấp một bản sao bản cáo buộc trước khi kêu gọi nhận tội; có thể nhận tội hoặc không nhận tội và được tại ngoại, bảo lãnh nếu đủ điều kiện. Luật sư bào chữa của bị cáo có thể thuê điều tra độc lập tiến hành hoạt động điều tra; phỏng vấn nhân chứng; chụp hình hiện trường những người được cho là nhân chứng và bị cáo. Cơ quan công tố phải cung cấp cho luật sư bào chữa tất cả các chứng cứ mà bên công tố sẽ sử dụng tại phiên tòa, gồm cả báo cáo cảnh sát và chứng cứ gỡ tội; có trách nhiệm thông báo các chứng cứ mới phát sinh…
Kết thúc buổi Tọa đàm, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đánh giá những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quyền của bị can, bị cáo trong pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ là những thông tin bổ ích cho quá trình nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phương Thảo
;
.