Tấm gương tiêu biểu cho một nhân cách lớn của đồng chí nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Thứ Hai, 15/06/2020, 14:06 [GMT+7]
    Đồng chí Trần Quốc Hương (tên khai sinh là Trần Ngọc Ban); bí danh Mười Hương (các bí danh khác: Lý, Trang); sinh ngày 20/12/1924; quê quán xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam); thường trú tại số nhà 204/19 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
    Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng năm 1943; Đồng chí đã giữ các chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ); Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
 
    Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trên cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương giai đoạn (từ năm 1986-1991), đồng chí đã có nhiều đóng góp cho Ban Nội chính Trung ương thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính Đảng. 
 
    Đồng chí đã cùng cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương nói riêng, ngành Nội chính Đảng nói chung không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
 
Đồng chí Trần Quốc Hương
Đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương
    Mới 14, 15 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên dân chủ. Học hết lớp nhất tại trường Tiểu học Phủ Lý, ông chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này ông đổi tên là Hương (sau này, khi vào Nam công tác mới được gọi là Mười Hương), nhiệt tình tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943. Ông từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh..., từng bị tù đày trong nhà tù thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam cộng hòa.
 
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Trần Quốc Hương là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam, là cấp trên trực tiếp của những nhà tình báo huyền thoại như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với nhiều chiến công lớn trên trận tuyến thầm lặng. Sau ngày 30/4/1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. 
 
    Từ năm 1986-1991, với vị trí là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hương đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, với nhiều kết quả quan trọng và nổi bật của công tác nội chính Đảng trên các lĩnh vực như:
 
     - Tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Bộ Chính trị một số chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề trong công tác nội chính; kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực nội chính, đặc biệt công tác tham mưu, giải quyết nhiều vụ án quan trọng về chính trị, kinh tế; công tác theo dõi, quản lý cán bộ các cơ quan trong khối nội chính; công tác đấu tranh chống buôn lậu, tham nhũng; công tác hướng dẫn, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, đặc khu trực thuộc Trung ương.
 
     - Theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng đối với các dự án luật, như: Luật Đầu tư; Luật Đất đai; Luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Pháp lệnh thống kê - kế toán; Pháp lệnh về luật sư; Pháp lệnh về lực lượng an ninh nhân dân; các hiệp định về hợp tác với Liên Xô; Hiệp định về biên giới với Lào; Quy chế biên giới Việt - Trung; các quy định về chính sách kinh tế cụ thể, như tư doanh tập thể, công tư hợp doanh và kinh tế phụ gia đình. Đề xuất với Ban Bí thư một số nội dung: Cách giải quyết số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Campuchia và quản lý Biên giới Việt Nam - Campuchia; cách giải quyết số người Việt Nam vượt biên sang Lào khai thác trầm hương và gỗ quý; nghiên cứu, xây dựng báo cáo, tham gia Đề án củng cố toàn diện vùng núi biên giới phía Bắc; phối hợp với Ban Biên giới Chính phủ  về nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp bảo vệ quần đảo Trường sa và Hoàng sa...
 
    - Tham mưu, giải quyết nhiều vụ việc, vụ án quan trọng về kinh tế, chính trị; các vụ án có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chức năng hoặc giữa các cơ quan Trung ương với lãnh đạo địa phương. Điển hình là các vụ: Vụ N2 (tỉnh Đồng Nai); vụ H86 (tỉnh Lâm Đồng); vụ KC50 (tỉnh Cửu Long); vụ Nguyễn Thành Tâm (tỉnh Bến Tre); vụ Trường Xuân, vụ Trần Tỷ, Triệu Bình Thiệt (TP. Hồ Chí Minh); vụ Đặng Công Thái (tỉnh Nghệ Tĩnh). Đối với vụ Z30 (thành phố Hà Nội), sau khi kết thúc, đồng chí đã lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương tiếp tục theo dõi việc sửa sai, giải quyết khiếu nại và hành vi gây rối của một số đối tượng liên quan; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo tình hình của vụ án Z30, qua đó, từng bước, tạo sự đồng thuận trong dư luận. Ngoài những vụ án điển hình nêu trên, cũng trong thời gian này, với tư cách là người đứng đầu Ban Nội chính Trung ương đồng chí đã lãnh đạo công tác kiểm tra hoặc tham gia kiểm tra 15 vụ việc khác do cấp trên giao, như: Vụ án Tạ Đĩnh Đỗ; vụ thi hành án ở 18 Ngô Văn Sở; vụ 18 người bị giết ở huyện Giằng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng); vụ lưu hành hàng kém chất lượng ở Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); vụ Đặng Văn Tám (tỉnh Thanh Hóa); vụ sử dụng đô la ở Viện Bà mẹ trẻ sơ sinh; vụ người mới bị bắt, chết trong trại tạm giam ở Hải Phòng… 
 
    Với tất cả các vụ việc trên, Ban Nội chính đều triển khai với tinh thần khẩn trương, thận trọng, chu đáo, khách quan. Với chức năng của mình, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai công tác nắm tình hình tại các ngành: Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Tư pháp, Trọng tài Kinh tế… Từ thực trạng khó khăn, vướng mắc và bất cập về công tác tổ chức cán bộ của một số ngành, Ban Nội chính Trung ương đã đưa ra một số kiến nghị được các ngành tiếp thu. Xác định vị trí vai trò của ngành Nội chính trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Trần Quốc Hương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, tổ chức Hội nghị cán bộ lãnh đạo ngành Nội chính Trung ương bàn về công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và buôn lậu. Tại Hội nghị, các cơ quan Nội chính đã thống nhất 05 nhiệm vụ là: (1) Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các biểu hiện tham nhũng; (2) Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ; rà soát chức năng, nhiệm vụ; xây dựng cơ chế làm việc; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đấu tranh chống buôn lậu, tham nhũng; (3) Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan khối Nội chính trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng, buôn lậu; (4) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ các ngành Nội chính về luật pháp và kiến thức kinh tế; (5) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính trong sạch, vững mạnh. Sau Hội nghị bàn về công tác phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu, tham nhũng, các cơ quan trong khối Nội chính đã thống nhất thành lập các Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, tham nhũng của ngành mình; tăng cường công tác giải quyết các vụ án điểm, phục vụ công tác PCTN.
 
    Ban Nội chính Trung ương đôn đốc, phối hợp với các cơ quan tư pháp đã chọn 21 vụ án điểm do Trung ương chỉ đạo, 94 vụ án giao cho địa phương giải quyết. Trong số 21 vụ án do Trung ương chỉ đạo, đến cuối năm 1990, đã đưa ra xét xử được 08 vụ; 13 vụ còn lại, các ngành tích cực hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử theo đúng quy định. Cũng thời gian này, Ban Nội chính Trung ương tổng hợp 18 vụ án điểm do các bộ, ban, ngành Trung ương chọn chỉ đạo giải quyết. Trong danh sách trên, đáng chú ý một số đối tượng là: Cục trưởng, Viện trưởng, Giám  đốc, Phó phòng; đặc biệt là có tới 03 Thứ trưởng có liên quan đến tội phạm. Ngoài ra, một số vụ buôn lậu có liên quan đến cả chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND. Như vậy, tình  hình buôn lậu và chống tội phạm buôn lậu, tham nhũng, tiêu cực ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.
 
    Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, đặc biệt là trên cương vị Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hương cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao, luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Là người cán bộ cách mạng có phẩm chất và năng lực, quán triệt tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nắm vững và kiên quyết thi hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội.
 
    Đồng chí Trần Quốc Hương là chiến sỹ cộng sản tận hiếu với dân, tiêu biểu cho một nhân cách lớn cả đời tận tụy cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân; là tấm gương tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; luôn vững vàng, kiên định, bản lĩnh, dũng cảm, mưu trí, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, không ngại khó khăn, gian khổ, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc, đồng chí Trần Quốc Hương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng của các thế hệ cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương học tập và noi theo.
Thu Huyền
.