Ngành Kiểm sát nhân dân tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt xử lý tội phạm tham nhũng
Thứ Hai, 30/12/2019, 17:14 [GMT+7]
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, vai trò trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát các cấp được tăng cường, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 93%, tăng 9,5%, vượt 3% chỉ tiêu của Quốc hội; việc ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết nguồn tin tăng 12%; ban hành yêu cầu điều tra tăng 11,6%; số vụ án trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra tăng 16,5%; công tác giải quyết án được đẩy nhanh, tỷ lệ giải quyết vượt 9,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Công tác xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế được Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế được Đảng và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều tiến bộ; kiên quyết khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm; tập trung phát hiện, khởi tố điều tra những vụ án xảy ra ở lĩnh vực, khâu công tác được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần xử lý để răn đe, giáo dục chung.
Toàn Ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo hướng tinh gọn; tăng cường lực lượng cho khâu công tác nghiệp vụ còn hạn chế; điều chỉnh chỉ tiêu biên chế giữa các khâu và địa bàn công tác bảo đảm tính hợp lý và sử dụng hiệu quả nhân lực hiện có; tiến hành đánh giá chất lượng cán bộ gắn với số lượng, chất lượng và sản phẩm công việc cụ thể; đặc biệt là đánh giá, chọn lựa kỹ khi bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chụp ảnh với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Tích cực, chủ động tham gia xây dựng nhiều dự án luật và xây dựng, ban hành các thông tư liên tịch về việc phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật. Đã chủ động và phối hợp có trách nhiệm cao với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hoàn thiện thể chế phòng, chống tội phạm, nhất là một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; tổ chức thành công Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào lần thứ 6 và Việt - Trung lần thứ 2 nhằm tăng cường phối hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tương trợ tư pháp về hình sự; phối hợp chặt chẽ với Viện công tố Hàn Quốc, Viện kiểm sát tối cao Hungary trong đào tạo chuyên gia điều tra tội phạm kỹ thuật số và nghiên cứu thành lập Trung tâm điều tra tội phạm kỹ thuật số nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2019 đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Năm 2020, toàn Ngành phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đặt ra; đồng thời thực hiện tốt một số nội dung như: Quan tâm nhiều hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của ngành Kiểm sát vào sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cẩn trọng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đất nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của Cơ quan điều tra, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.
Nâng cao hơn nữa nhiệm vụ thực hành quyền công tố, thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tố phải gắn với hoạt động điều tra; chủ động tham gia vào quá trình điều tra, đặc biệt đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phát hiệp kịp thời các vi phạm, nhất là vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, kịp thời kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý hiệu quả.
Tiến Dũng