Hội thảo "Liêm chính tư pháp - Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam"

Thứ Sáu, 10/10/2014, 15:14 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 10-10, tại Hà Nội, Viện chính sách công và pháp luật thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (IPL) phối hợp với Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) tổ chức Hội thảo “Liêm chính tư pháp - Các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật Việt Nam”. 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội và một số cơ quan hữu quan. GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện chính sách công và pháp luật chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nghe các tham luận về liêm chính tư pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay; Liêm chính trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật: chia sẻ một số kết quả từ nghiên cứu hệ thống liêm chính quốc gia của Việt Nam; Liêm chính trong hoạt động của luật sư: các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam; Độc lập tư pháp: các khuôn khổ pháp lý quốc tế và Việt Nam; Quản trị tòa án và bảo đảm tính độc lập của thẩm phán ở Việt Nam; Liêm chính trong hoạt động của tòa án: chia sẻ một số kết quả từ nghiên cứu Hệ thống liêm chính quốc gia của Việt Nam; Cơ chế giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trên thế giới và ở Việt Nam và Tiếp cận công lý từ góc nhìn trợ giúp pháp lý.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều Công ước, Điều ước quốc tế nhằm thúc đẩy độc lập tư pháp: Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc đối với Tư pháp độc lập. Theo khuôn khổ pháp lý quốc tế, nền tư pháp độc lập là một quyền cơ bản của con người mà tất cả các thành viên Liên Hợp quốc phải cung cấp cho công dân của mình. Một nền tư pháp độc lập là nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia và quốc tế và công dân mong đợi các Thẩm phán đưa ra quyết định chỉ dựa trên sự thật và pháp luật mà không chịu ảnh hưởng bất hợp pháp
Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, cốt lõi của liêm chính tư pháp là đòi hỏi về một nền tư pháp trong sạch, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, là ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự và lương tâm nghề nghiệp tư pháp và đấu tranh chống tham nhũng, bảo đảm sự trong sạch của tư pháp. Để bảo đảm cho liêm chính tư pháp, cần bảo đảm sự độc lập của tư pháp; bảo đảm năng lực tiếp cận công lý cho người dân nhằm thúc đẩy trách nhiệm của cơ quan tư pháp và tăng cường liêm chính tư pháp; có cơ chế giám sát hoạt động cơ quan tư pháp và cải cách tố tụng hình sự để tăng cường tranh tụng bình đẳng.
Ngoài ra, theo quan điểm của Tổ chức hướng tới minh bạch (TT), để bảo đảm liêm chính tư pháp, cần tăng cường tính minh bạch của hoạt động tư pháp, trách nhiệm giải trình và xử lý kỷ luật trong ngành tư pháp, nâng cao tính công bằng trong bổ nhiệm thẩm phán và nâng cao điều kiện làm việc của ngành tư pháp.
Phương Thảo
;
.