Covid-19 khiến nhiều hoạt động điều tra, xét xử tham nhũng bị tạm hoãn

Thứ Ba, 31/03/2020, 09:11 [GMT+7]
    Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến kinh doanh, sản xuất các nước bị đình trệ; các hoạt động văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng; mà công tác điều tra, xét xử đại án tham nhũng tại nhiều nơi cũng bị gián đoạn.
 
    Malaysia: Rời phiên xét xử cựu Thủ tướng Najib vào 1/4
 
    Theo Hãng Thông tấn Bernama qua tin nhắn, Phó trưởng Công tố viên cao cấp Datuk Seri Gopal Sri Ram cho biết, phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak về các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền liên quan đến 2,3 tỷ ringgit trong Quỹ 1MDB dự kiến bắt đầu lại vào 1/4 tới.
 
    Trước đó, phiên xét xử được ấn định bắt đầu vào ngày 19/3, nhưng đã bị hoãn lại theo Lệnh Kiểm soát Di chuyển.
 
    Tuần trước, sau khi số ca nhiễm virus corona chủng mới tại Malaysia tăng đột biến, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo Chính phủ Malaysia sẽ thực thi Lệnh Kiểm soát Di chuyển từ ngày 18 đến hết 31/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Theo đó, đóng cửa tất cả các cơ quan của Chính phủ và tư nhân, nhà thờ, các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ những nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và tiện lợi bán nhu yếu phẩm hàng ngày.
 
CBI, ED tại Ấn Độ tạm dừng điều tra các vụ lừa đảo ngân hàng, tham nhũng cấp cao
CBI, ED tại Ấn Độ tạm dừng điều tra các vụ lừa đảo ngân hàng, tham nhũng cấp cao
    Khi phiên điều trần được tiếp tục, luật sư bào chữa Tan Sri Muhammad Shafee Abdullah dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra chéo nhân chứng cho bên nguyên thứ 9 - cựu Giám đốc Điều hành Quỹ 1MDB Datuk Shahrol Azral Ibrahim Halmi, người đã đứng ra làm chứng từ ngày 23/9 năm ngoái.
 
    Cựu Thủ tướng Najib, 67 tuổi, đối mặt với 4 cáo buộc lạm dụng quyền lực để biển thủ 2,3 tỷ ringgit trong Quỹ 1MDB và 21 tội rửa tiền liên quan đến khoản tiền này.
 
    Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Najib sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà điều tra Malaysia và Mỹ cho rằng, quỹ này đã để thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD, trong khi khoảng 1 tỷ USD được gửi vào các tài khoản cá nhân của ông Najib.
 
    Phiên xét xử cựu Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid sẽ bắt đầu vào 13/4
 
    Theo Cơ quan Công tố Malaysia, phiên xét xử cựu Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, bội tín (CBT) và rửa tiền liên quan đến Quỹ Yayasan Akalbudi sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 13/4.
 
    Hãng Thông tấn Bernama cũng đã có cuộc trao đổi qua tin nhắn với Phó trưởng Công tố phụ trách nhóm công tố tại tòa, bà Datuk Rozela Raja Toran, cho biết: "Phiên toà sẽ tiếp tục vào ngày 13/4, tuy nhiên, sẽ còn tùy thuộc vào bất kỳ sự gia hạn thêm nào từ Lệnh Kiểm soát Di chuyển của Chính phủ”. 
 
    Cho đến nay, Cơ quan Công tố đã triệu tập 43 người để làm nhân chứng.
 
    Theo kế hoạch, quá trình tố tụng được bắt đầu vào ngày 23/3, nhưng đã bị hoãn lại do các tòa án đều đóng cửa theo Lệnh Kiểm soát Di chuyển.
 
    Thẩm phán Tòa án Tối cao Collin Lawrence Sequerah đã ấn định phiên xét xử tiếp theo vào lúc 9 giờ sáng 13/4.
 
    Cựu Phó Thủ tướng Zahid, 67 tuổi, đang phải đối mặt với 47 cáo buộc, trong đó 12 cáo buộc liên quan đến vi phạm hình sự, 8 cáo buộc tham nhũng và 27 cáo buộc rửa tiền liên quan tới hàng chục triệu ringgit thuộc về Quỹ Tài trợ Yayasan Akal Budi (thành lập năm 1997 với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo) do cựu Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.
 
    Ông cũng bị cáo buộc đã sử dụng sai mục đích Quỹ Akal Budi. Cụ thể, ông đã sử dụng 260.000 ringgit (gần 64.000 USD) từ quỹ này để thanh toán cho Công ty TS Consultancy and Resources vào ngày 23/12/2016.
 
    Ông Zahid là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak.
 
    Ấn Độ: CBI, ED tạm dừng điều tra các vụ lừa đảo ngân hàng, tham nhũng cấp cao
 
    Hai cơ quan điều tra hàng đầu của Ấn Độ là Cục Điều tra trung ương (CBI) và Cục Thực thi pháp luật (ED) đã yêu cầu các cán bộ, nhân viên giảm quy mô hoạt động và hoãn các cuộc thẩm vấn không khẩn cấp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đã có lệnh phong tỏa toàn quốc.
 
    Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày tính từ đêm 24/3.
 
    Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân Ấn Độ hãy nghiêm túc thực hiện lệnh này, đồng thời cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc ra khỏi nhà trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh biện pháp giãn cách xã hội sẽ áp dụng với tất cả mọi người, kể cả Thủ tướng.
 
    Trước chỉ thị của Thủ tướng, cả CBI và ED yêu cầu cán bộ, nhân viên kết nối công việc trên điện thoại và tránh ra ngoài thực địa trừ trường hợp bất khả kháng.
 
    ED cho biết, sẽ điều hành công việc qua điện thoại và thực hiện việc họp trực tuyến.
 
    Trong khi đó, CBI đã có công văn đến các văn phòng điều tra trên toàn quốc, yêu cầu đình chỉ ngay lập tức các cuộc thẩm vấn không khẩn cấp cho tới ngày 4/4. Tất cả đội điều tra hoạt động bên ngoài trụ sở có thể tạm dừng hoạt động.
 
    Giám đốc CBI RK Shukla đã gửi thông điệp tới các sỹ quan của mình: “Hãy bảo đảm an toàn cho tất cả cán bộ, nhân viên của bạn và gia đình họ theo đề xuất của Cục Quản lý chung (JDA). Các tòa án cũng đã đóng cửa. Mọi công việc nên chờ thêm 1 tuần nữa, và các liên lạc khẩn cấp nên được thực hiện thông qua phầm mềm nội bộ”. 
 
    Hiện, CBI và ED đang điều tra các vụ án lớn liên quan đến rửa tiền, lừa đảo của những ông trùm kinh doanh và các chính trị gia bao gồm vụ Ngân hàng Yes Bank, vụ tỷ phú trang sức Nirav Modi và Mehul Choksi.
                                                                                 Hoài Phương
                                                                                (Báo Thanh tra)
.