Nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của luật sư trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ Bảy, 12/10/2024, 06:47 [GMT+7]
    Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2024), phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đội ngũ luật sư Việt Nam tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách, cùng với toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, giỏi về kỹ năng hành nghề và trách nhiệm xã hội của luật sư trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

    Cùng với tiến trình cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, trong những năm qua, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và đội ngũ luật sư ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp; đội ngũ luật sư ngày càng tăng về số lượng, chất lượng hoạt động từng  bước được nâng lên(1). Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không những góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, các  quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà còn là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi làm việc với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam

    Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của luật sư, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước; trong đó, yêu cầu quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động luật sư; quan tâm công tác xây dựng Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ luật sư; tăng cường giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư.

    Tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra nhiều giải pháp lớn, trong đó, tiếp tục “hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư.

    Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”(2)

    “Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế…”.
    Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

    Để hoàn thiện thể chế về luật sư, Quốc hội đã ban hành Luật Luật sư (năm 2007, sửa đổi năm 2013), đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư. Qua 15 năm triển khai thực hiện, hiện nay, việc tiến hành tổng kết thi hành Luật Luật sư để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Vì vậy, muốn xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề, trước hết, cần nhận thức đầy đủ về các yêu cầu, đòi hỏi đối với luật sư trên các mặt, đó là: 

    Về bản lĩnh chính trị: Đối với mỗi công dân Việt Nam, bản lĩnh chính trị được thể hiện qua việc trung thành với tổ quốc, tuân thủ và xử sự theo những quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng, xã hội; tuân thủ pháp luật. Đối với luật sư Việt Nam, trước hết là một công dân, bản lĩnh chính trị chính là phẩm chất kiên định, trung thành với tổ quốc; vững vàng trước mọi áp lực, giữ vững tinh thần, quyết định và hành động đúng đắn, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Điều 10 Luật Luật sư quy định, luật sư trước hết là công dân Việt Nam phải trung thành với tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. tiêu chuẩn này thể hiện bản lĩnh chính trị đối với luật sư Việt Nam; từ đó, cũng đòi hỏi luật sư cần tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên lĩnh vực nhà nước, pháp luật. 

    Về đạo đức nghề nghiệp: Đạo đức là hệ thống quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Đạo đức nghề nghiệp của luật sư là hệ thống (bộ) quy tắc quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Qua đó, mỗi luật sư phải lấy những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là thước đo phẩm chất và trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Luật Luật sư quy định, đối với luật sư phải có phẩm chất đạo đức tốt. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ngoài quy định về sứ mệnh của luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan,… còn quy định luật sư phải là tấm gương về tôn trọng, chấp hành pháp luật trong công việc cũng như trong sinh hoạt; gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế, nội quy của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư nơi mình tham gia; độc lập, trung thực, tôn trọng sự thực khách quan, công tâm thể hiện tính chuẩn mực, nghiêm minh, công bằng của pháp luật; giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của luật sư; tham gia tích cực vì những lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, phù hợp với nghề nghiệp luật sư.

    Về trách nhiệm xã hội: Trách nhiệm xã hội là những cam kết, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện những nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng, cần thiết bởi vì nó ảnh hưởng đến quá trình tồn tại, phát triển chung của xã hội. Trách nhiệm của luật sư đối  với xã hội chính là hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    “Phát triển nguồn nhân lực pháp luật, hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật. Có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật”.
    Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

    Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, phần lớn đội ngũ luật sư Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với tổ quốc, nhận thức rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề luật sư, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng việc hành nghề để trục lợi, thậm chí một số trường hợp có tư tưởng, hành vi tiêu cực, cực đoan… Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số tổ chức hành nghề luật sư có quan điểm, hành vi “lệch chuẩn” trong hoạt động nghề nghiệp, không thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của luật sư, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

    (1) Tiến hành rà soát đối với các Đoàn luật sư, sơ kết, tổng kết các văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, qua đó, đánh giá đúng, đầy đủ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng; kết quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; từ đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và đội ngũ luật sư trong thời gian tới. 

    (2) Hoàn thành tổng kết việc thực hiện Luật Luật sư theo kế hoạch đã đề ra(3); trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư nói chung; nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn chính trị, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của luật sư nói riêng. 

    (3) Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của luật sư; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các luật sư trong việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư với sự quản lý của Nhà nước trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những luật sư vi phạm. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ luật sư; tăng cường công tác PCTNTC trong nội bộ tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và đội ngũ luật sư; tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong lĩnh vực cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

    (4) Nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư nhưng không thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; thường xuyên giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư; phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đội ngũ luật sư về vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội của luật sư. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những luật sư có bản lĩnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN; bên cạnh đó, cương quyết đấu tranh, lên án, phê phán những hành vi lợi dụng bảo vệ công lý, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự do hành nghề luật sư làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Đảng và Nhà nước.

    (1) Theo Báo cáo của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hiện nay, cả nước có 63 Đoàn luật sư với hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư và hơn 18.000 luật sư. Số lượng luật sư tăng trung bình mỗi năm khoảng 1.000 luật sư. Năm 2023, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia 14.811 vụ án hình sự (trong đó, 8.155 vụ án hình sự chỉ định và 6.296 vụ án hình sự được khách hàng mời); 11.120 vụ việc dân sự; 3.923 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại; 523 vụ án hành chính; 32 vụ án lao động; tư vấn pháp luật 41.029 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 5.966 vụ việc; tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 23.034 vụ việc; tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 11.826 vụ việc; một số luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài với giá trị kinh tế lớn.
    (2) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
    (3) Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư (Quyết định số 2214/QĐ-BTP, ngày 18/9/2023).

Trần Văn Lâm
(Ban Nội chính Trung ương)

.