Bài 3: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một việc làm cần thiết, tất yếu; một thực tế khách quan và xu thế không thể đảo ngược

Vận dụng quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Bảy, 19/10/2024, 06:34 [GMT+7]
    Trong Từ điển Tiếng Việt, “xu thế” là chiều hướng phát triển hợp quy luật(1). Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ ra rằng, quy luật mang tính khách quan, luôn tồn tại trong thực tiễn, xảy ra không phụ thuộc vào ý thức, tư duy của con người. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch hệ thống chính trị trong hơn một thập kỷ qua đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động mạnh mẽ không gì lay chuyển được, khẳng định một lần nữa đây là “xu thế không thể đảo ngược”, là bước đi tất yếu đối với Đảng và Nhà nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”(2).

    1. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Một yêu cầu cấp thiết về xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh 

    Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng xác định cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là lực lượng quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị.

    Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Tham nhũng luôn song hành với quyền lực, là “bóng tối vươn theo quyền lực”, là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. tham nhũng là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không trong sạch, vững mạnh dẫn đến tham nhũng, tiêu cực thì sẽ làm suy yếu Đảng, gây ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, từ đó đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do vậy, nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc là phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, vì “sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta”(3).

    Những năm đầu thập kỷ trước, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, diễn ra ngày một nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự thờ ơ, ngại đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dần trở nên phổ biến. Trong xã hội đã hình thành tâm lý cần phải chấp nhận chi phí “không chính thức” để thuận lợi hơn khi giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Đặc biệt, trong giai đoạn này, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế; tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa cao; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Không ít cấp ủy, người đứng đầu cơ quan đơn vị chưa gương mẫu, chưa kiên quyết, tích cực đấu tranh PCTNTC; che giấu khuyết điểm, hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Nhiều chi bộ đảng quản lý đảng viên chưa tốt; chưa phát hiện và đấu tranh kịp thời những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí(4).

    Nhiều cán bộ, đảng viên không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, quan liêu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; nói không đi đôi với làm; “lợi ích nhóm”; thực hiện nghị quyết không đến nơi, đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy dự án khiến dư luận bức xúc; tuy nhiên, qua kiểm điểm vẫn chưa làm rõ được thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp xử lý chưa nghiêm, còn có tình trạng lạm dụng xử lý hành chính, “nhẹ trên, nặng dưới”, gây hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, lãng phí(5). Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển Cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật còn ít. Có nội dung kết luận thanh tra xác định rõ dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được chuyển Cơ quan điều tra để xác minh, xử lý theo quy định(6).

    Trước thực trạng trên, hơn lúc nào hết Đảng ta xác định phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng, phải xây dựng Đảng thật sự “là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”(7)“tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(8). Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Sau 5 năm thực hiện, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng; mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” chưa đạt được. Vì thế, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận (số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư làm trưởng Ban. Ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên cả nước.

    Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị và người đứng đầu Đảng là trưởng Ban đã tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong PCTN, đồng thời, bảo đảm cho hoạt động PCTN diễn ra một cách khách quan hơn, toàn diện hơn. Bắt đầu từ đây, Đảng ta đã lãnh đạo toàn hệ thống chính trị đấu tranh PCTN “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, với các bước đi vững chắc, kiên trì, không chủ quan, nóng vội, không thỏa mãn, cầm chừng hoặc né tránh. PCTNTC từ việc làm cần thiết, tất yếu, trở thành một “xu thế không thể đảo ngược”.

    2. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là xu thế tất yếu khách quan, không làm không được

    Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, quyết liệt, toàn diện, kịp thời. trong đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó, Ban Chỉ đạo đã có nhiều cơ chế, giải pháp, nguyên tắc, quan điểm, cách làm hay, sáng tạo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. “trước đây có khi phải chờ điều tra trọn vẹn một vụ việc nhưng ở đây thì theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thì rõ đến đâu làm đến đấy. Chúng ta có thể tách vụ án ra thành nhiều giai đoạn để xét xử thì nó sẽ tạo ra thuận lợi nhanh chóng hơn trong quá trình xử lý các vụ việc”(9).

    Ban Chỉ đạo đã chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng để tập trung chỉ đạo, nhất là chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng; chỉ đạo khắc phục những vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; chỉ đạo giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng;…

    Tiếp nối quá trình đấu tranh PCTNTC kiên trì, bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo trung ương về PCtNtC, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác PCTNTC đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có nhiều thành tựu rõ rệt, nổi bật, như: Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

    Chúng ta đã phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có cả các vụ án, vụ việc xảy ra ở các lĩnh vực có chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, lâu nay ít được quan tâm (đấu giá đất, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục, lãnh sự,…). Nhiều quan chức cấp cao (cả đương chức và nghỉ hưu), tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang “ngã ngựa” vì bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”(10). Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đã chủ động, khẩn trương, phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, vụ án, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp, tồn đọng nhiều năm được xử lý dứt điểm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 1.300 tổ chức đảng và hơn 6.000 đảng viên (gấp gần 2 lần về số tổ chức đảng và gần 1,5 lần về số đảng viên bị kỷ luật so cùng kỳ của nhiệm kỳ Đại hội XII), trong đó, có hơn 1.600 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, hơn 17.800 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (tăng 23 trường hợp so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII). Đặc biệt, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 25 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác hơn 530 trường hợp sau khi bị kỷ luật. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý, thu hồi hơn 398.400 tỷ đồng, hơn 1.800 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 13.300 tập thể, 22.600 cá nhân sai phạm; chuyển hơn 1.500 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra (tăng gấp 3 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII). Các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 15.571 vụ án/30.690 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó, có 2.166 vụ án/5.606 bị can về tội tham nhũng (tăng 54% số vụ án và 78% số bị can so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII). Trong đó, đã khởi tố 54 bị can là cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, cuộc chiến “chống giặc nội xâm” cũng không loại trừ các cơ quan có chức năng PCTNTC. 

    Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 774 trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan có chức năng PCTNTC bị xử lý kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực, trong đó, xử lý hình sự 275 trường hợp. Nhất là, đã xử lý kỷ luật đối với 03 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; xử lý hình sự 10 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; xử lý hình sự nhiều lãnh đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật của địa phương. Công cuộc chống tham nhũng cũng đã giúp thu hồi hơn 600 nghìn tỷ đồng về ngân sách nhà nước, có vụ thu hồi đạt 100%(11)

    Như vậy, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản của Đảng ta, tham nhũng từng bước được kiềm chế, cuộc chiến chống tham nhũng không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. PCTN đã đi vào chiều sâu, thêm bước phát triển mới với phòng, chống tiêu cực(12),  trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở, tập trung đưa hơn 800 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý. Kết quả đó đã tạo ra hiệu ứng đồng bộ, nhịp nhàng, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

    Kết quả này có được là nhờ có chủ trương đúng, quyết tâm chính trị rất cao, nhiều cách làm mới, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn của Đảng và Nhà nước; sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội trong đấu tranh PCTNTC. Chúng ta kiên trì quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà hạt nhân là đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự” trong PCTNTC. Chúng ta đã làm mạnh mẽ, bài bản, quyết tâm, quyết liệt để đạt được mục đích cao hơn trong PCTNTC: “Trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”. Việc quan trọng nhất không phải là phát hiện thật nhiều, xử lý thật nghiêm, mà phải có các biện pháp cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa để cán bộ, đảng viên, quan chức “không dám tham nhũng”. Điều này, cố Tổng Bí thư đã từng nhiều lần nhắc đến, chúng ta cần “phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”(13).

    Hiện nay, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có quan điểm cho rằng “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển của đất nước”(14). Đây là biểu hiện của sự nhận thức nông cạn, hời hợt, chưa thấu đáo. Tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ không làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Đẩy mạnh PCtNtC không làm “nản lòng”, “chùn bước”, sợ sai của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”, “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. 

    Trong chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta xác định sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị chính là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là giải pháp trọng yếu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Góc nhìn, quan điểm của người đứng đầu Đảng thể hiện kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, bản lĩnh, sự kiên định và tâm huyết của Đảng ta trên con đường dẹp tan tham nhũng, tiêu cực. trong thời gian tới, chúng ta cần xác định rõ cuộc đấu tranh PCTNTC đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn.

    Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, “chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”(15). Mặc dù vậy, trong nhiều lần phát biểu tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cố Tổng Bí thư cũng khẳng định: Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ; từ đó, xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời, bảo vệ khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung. 

    3. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không ngừng, không nghỉ 

    Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công cuộc đấu tranh PCTNTC có tiếp tục và quan điểm chỉ đạo của Đảng ta như thế nào được nhân dân hết sức quan tâm. Và những vấn đề này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định rõ: “Thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTNTC sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như thời gian qua”(16). Ngày 13/8, tại cuộc họp thường trực tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì PCTNTC với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tới thắng lợi hoàn toàn; xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”. Ngày 14/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC để cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng(17). Trong đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật: Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, nhất là vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn(18) và vụ án xảy ra tại tập đoàn thuận An và một số đơn vị, tổ chức liên quan(19). Đặc biệt, đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ban Chỉ đạo (như vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn thịnh Phát, Ngân hàng SCB), với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn. Tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý, đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh PCTNTC. 

Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo

    Hành động quyết liệt của Ban Chỉ đạo hiện nay, mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới chính là câu trả lời dứt khoát cho việc, có tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực “không ngừng”, “không nghỉ” hay không. Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trưởng Ban Chỉ đạo xác định: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với cách làm khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, hiệu quả hơn; phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, theo đúng phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

    4. Cần phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới; để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là “phong trào”, “xu thế không thể đảo ngược”?

    Đây là câu hỏi lớn đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Những “di sản” mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại luôn nhắc nhở chúng ta rằng, để công tác PCTNTC tiếp tục có bước tiến mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả cao hơn nữa, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là “Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế; tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ không ngừng, không nghỉ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, tiếp tục tư tưởng này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 yêu cầu: (1) PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội. (2) PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. (3) Đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

    Muốn làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục tập trung vào 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(20)cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra(21):

    Một là, phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy đầy đủ, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTNTC. 

    Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC, về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. 

    Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, đơn vị chức năng; bảo đảm sự trong sạch trong chính đội ngũ cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị PCTNTC. 

    Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, tăng cường kiểm soát quyền lực và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực. 

    Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC từ Trung ương đến địa phương. Chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí trong công tác PCTNTC. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động PCTNTC ở khu vực ngoài nhà nước. Có các giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để nhân dân dễ dàng phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực với các cơ quan nhà nước. Xây dựng và thực thi cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, nghiêm trị những kẻ lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để xuyên tạc hoặc tố cáo sai sự thật, vu khống, làm hại người khác.

    (1) Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2003, tr.1158.
    (2) Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022 (ngày 30/6/2022).
    (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. CTQG, H.2012, tr.12.
    (4) Báo cáo đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X).
    (5) Theo đánh giá tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, nhưng số vụ án tham nhũng được phát hiện lại có xu hướng giảm.
    (6) Báo cáo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X.
    (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. CTQG, H.2012, tr.27.
    (8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb. CTQG-ST, H.2022, tr.56.
    (9) Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại Chương trình Dấu mốc 10 năm PCTN. Nguồn: http://vtv.vn/chinh-tri/dau-moc-10-nam-phong-chong-tham-nhung20220618202232682.htm.
    (10) Đầu tiên là vụ án ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh, bị bắt và khởi tố về vi phạm trong thời gian làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); sau đó là Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trong đại án đường dây đánh bạc trên mạng internet với số tiền hàng nghìn tỷ đồng; vụ án “Vũ Nhôm”, vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Dương hơn 6.100 tỷ đồng; đại án AVG với 02 nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hầu tòa; đại án Việt Á khiến 2 nguyên Bộ trưởng bị khởi tố và nhiều giám đốc, cán bộ CDC các tỉnh phải hầu tòa; vụ án “Chuyến bay giải cứu” truy tố nguyên Thứ trưởng Tô Anh Dũng, nguyên Cục trưởng, Phó cục trưởng cùng nhiều cán bộ khác…
    (11) Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, số tiền các đối tượng giao nộp và Cơ quan điều tra thu hồi được là 8.664 tỷ đồng (đạt 100%).
    (12) Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (thay thế cho Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 25/12/2019) để bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.
    (13) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQG-ST, H.2023, tr.24.
    (14) Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh PCTNTC: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”, http://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-tieucuc/801297.vnp, ngày 30/6/2022.
    (15) Nguyễn Phú trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.28.
    (16) Xem tại https://mod.gov.vn/vn/chi-tiet/sa-ttsk/sa-tt-tn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-day-manh-phongchong-tham-nhung-theo-phuong-cham-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le.
    (17) Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; cho ý kiến báo cáo kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo đến nay và Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCtNtC cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
    (18) Đến nay, đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 06 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 01 Bí thư, 01 nguyên Bí thư tỉnh ủy, 01 Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, 02 Chủ tịch, 01 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
    (19) Đến nay, đã khởi tố 08 bị can, trong đó có 02 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 01 Bí thư tỉnh ủy và 01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
    (20) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.43-51.
    (21) Phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC.

ThS. Bùi Thị Thu Huyền; Nguyễn Trịnh Hoàn
(Ban Nội chính Trung ương)

.