Kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định pháp luật tại Tiền Giang

Thứ Năm, 03/12/2020, 06:50 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang luôn xác định công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian qua nhằm kiềm chế tham nhũng. Công tác PCTN đã trở thành phong trào, tác động trực tiếp đến ý thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị với quyết tâm PCTN nói chung và nhất là thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng nói riêng.

  1. Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Hàng năm, có 1.232/1.232 cơ quan, tổ chức, đơn vị (cơ quan hành chính nhà nước 477; đơn vị sự nghiệp 605; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp 150) tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để công khai, minh bạch hoạt động. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn trong nội bộ được tăng cường, đã tiến hành tại 1.058 cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua đó, kịp thời phát hiện, kiến nghị, nhắc nhở chấn chỉnh hạn chế, bảo đảm việc công khai, minh bạch hoạt động đúng quy định của pháp luật, chưa có trường hợp nào sai phạm đến mức phải
xem xét xử lý kỷ luật. 

    2. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt việc rà soát các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật, đã xây dựng và ban hành 8.052 quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với tổ chức, hoạt động của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị; việc xây dựng quy chế được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và niêm yết công khai để thực hiện thống nhất. Thành lập 08 Đoàn kiểm tra, giám sát tại 32 đơn vị (Tỉnh ủy 02 đoàn, 02 đơn vị; Ban Nội chính 02 đoàn, 05 đơn vị; Thanh tra tỉnh 04 đoàn, 25 đơn vị) về công khai, minh bạch và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện sai phạm. 

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang

    3. Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức: Có 1.232 cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ, Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV, ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ, Quyết định số 1.743/QĐ-UBND, ngày 20/6/2018 của UBND tỉnh (đạt 100%). Tổ Kiểm tra công vụ cấp tỉnh, cấp huyện đã tiến hành kiểm tra công vụ tại 758 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 109 cơ quan, 123 cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm như chưa chấp hành tốt nội quy của cơ quan, việc xây dựng và thực hiện chương trình công tác chưa nghiêm; kiến nghị xử lý 04 trường hợp vi phạm (khiển trách 01, kiểm điểm 01, đang xem xét xử lý 02), nhắc nhở 119 trường hợp. Đến nay, hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, văn minh, lịch sự, đúng quy định; tinh thần và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ được nâng cao. 

    4. Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng: Đã chuyển đổi vị trí công tác 967 công chức, viên chức (trong đó, năm 2013, có 03 đơn vị chuyển đổi vị trí công tác của 13 công chức, viên chức; năm 2014, có 10 đơn vị chuyển đổi vị trí công tác của 107 công chức, viên chức; năm 2015, có 13 đơn vị chuyển đổi cho 86 công chức, viên chức; năm 2016, có 12 đơn vị chuyển đổi cho 124 công chức, viên chức; năm 2017, có 14 đơn vị chuyển đổi cho 182 công chức, viên chức; năm 2018, có 20 đơn vị chuyển đổi cho 201 công chức, viên chức; năm 2019, có 20 đơn vị chuyển đổi cho 201 công chức, viên chức; đến ngày 30/6/2020, có 14 đơn vị chuyển đổi cho 53 công chức, viên chức) tại 106 cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện điều động, luân chuyển 19 công chức lãnh đạo, quản lý giữa các sở, ngành, địa phương. Việc chuyển đổi vị trí công tác đã tạo môi trường rèn luyện, thử thách, góp phần nâng cao năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. 

    5. Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập: Cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như: Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17/7/2013 của Chính phủ, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP, ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 06/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí... Theo đó, tổng số người thuộc diện phải kê khai và đã thực hiện kê khai 82.793 người, đạt 100% (trong đó số người phải kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý 26.612 lượt, chiếm 32,14%). Số bản kê khai được công khai bằng hình thức niêm yết 45.456 bản, chiếm tỷ lệ 54,90%; số bản kê khai được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp 37.337 bản, chiếm tỷ lệ 45,10%. 

    Thanh tra tỉnh phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành chức năng có liên quan thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về quy trình, nội dung thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập tại các cơ quan Đảng, Nhà nước; tiến hành xác minh 11 trường hợp, phát hiện xử lý 03 trường hợp kê khai chưa trung thực (kiến nghị Cục Thuế tỉnh xử lý kỷ luật khiển trách 01 trường hợp, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang kiểm điểm rút kinh nghiệm 02 trường hợp), các trường hợp còn lại chưa phát hiện sai phạm.

    6. Thực hiện cải cách hành chính: Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, hàng năm UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, rà soát thủ tục hành chính, công bố, bãi bỏ thủ tục hành chính theo quy định. Đã đưa dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử vào phục vụ người dân, doanh nghiệp; áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích theo Quyết địnhsố45/2016/QĐ-TTg, ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; hiện nay, tổng số thủ tục hành chính được công khai thực hiện 793 thủ tục (cấp tỉnh 676 thủ tục theo Quyết định số 1749/QĐ-UBND, ngày 01/6/2017; cấp huyện, cấp xã 117 thủ tục theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND, ngày 30/6/2017), số lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua Bưu chính công ích tăng qua các năm (năm 2018: 5.096; năm 2019: 8.468; 6 tháng đầu năm 2020: 142.315). Công bố 1.492 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ngành tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công... Nhìn chung, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp, mức độ tín nhiệm và hài lòng của người dân, doanh nghiệp không ngừng tăng lên. 

    Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án 477/ĐA-CBC, ngày 29/10/2004 của Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Kế hoạch số 159/KH-UBND, ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, tỉnh có 2.167 đơn vị đã xây dựng website riêng (trong đó có 11 website của UBND cấp huyện, 19 website các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 420 website thuộc các khối trường học, 2 website của Trung tâm thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 11 website thuộc các khối phòng Giáo dục và Đào tạo, 18 website thuộc các bệnh viện, 1.655 website của doanh nghiệp, 31 website của ngành dọc, đoàn thể, tổ chức khác); số lượt truy cập vào các website tăng qua từng năm (năm 2018: 436.507 lượt; năm 2019: 1.695.668 lượt, 6 tháng đầu năm 2020: 5.901.349 lượt). Triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo mô hình tập trung tại 207/207 sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã (trong đó có 24 sở, ban, ngành, 11 UBND cấp huyện, 172 UBND cấp xã) để giải quyết 2.036 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến tăng qua từng năm (năm 2018: 116.704 hồ sơ; năm 2019: 619.508 hồ sơ, 6 tháng đầu năm 2020: 311.953 hồ sơ). 

    7. Đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20/2007/CTTTg, ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Nghị định số 222/2013/NĐ-CP,ngày31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt; Thông tư số 13/2017/TT-BTC, ngày 15/02/2017, Thông tư số 136/2016/TT-BTC, ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc nhà nước... Hiện nay, tỉnh có 1.189/1.232 cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã thực hiện chi trả cá nhân qua tài khoản, đạt 96,51%, còn 43 đơn vị chưa thực hiện (các xã vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống máy rút tiền qua thẻ ATM), chiếm 3,49%.

    Để góp phần đẩy mạnh công tác PCTN nói chung và nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng nói riêng, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: 

    Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính. Chấp hành nghiêm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp. 

    Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số việc cần làm ngày để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. 

    Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, tài nguyên, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, thu chi ngân sách, công tác cán bộ, tài chính ngân hàng... kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng xảy ra, với phương châm không để sót người, lọt tội, không có vùng cấm.

    Bốn là, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý kinh tế, xã hội. Chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, đạo đức, kỷ cương, liêm chính. Nâng cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực, đồng thời, xử lý nghiêm khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Phan Bá
(Ban Nội chính Trung ương)

.