Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng

Thứ Ba, 01/12/2020, 14:42 [GMT+7]
    
Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, Bộ Chính trị đã xác định: “Công tác PCTN, lãng phí chưa đạt mục tiêu ngăn chặn, từng buớc đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Một trong những giải pháp khắc phục hạn chế này và đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
    
    Tham nhũng, được hiểu là việc lạm dụng quyền lực cho những mục tiêu không chính đáng, đòi hỏi những  điều kiện đặc thù để có thể sinh sôi, lan rộng. Trong khu vực công, tham nhũng thường bùng phát mạnh trong điều kiện thiếu chặt chẽ của hệ thống luật pháp cộng với sự kém hiệu quả của bộ máy kiểm tra, giám sát đối với việc sử dụng quyền lực công. Do đó, hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả quản lý ở các khâu kiểm soát thực thi quyền lực công được cho là các biện pháp phát hiện, xử lý tham nhũng chủ yếu. Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, việc hoàn thiện thể chế PCTN đã có những bước phát triển khá toàn diện, cơ bản, góp phần to lớn vào hiệu quả của công cuộc PCTN của Đảng và Nhà nước ta.
   
    Phát hiện tham nhũng là khâu quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Các quy định về phát hiện tham nhũng đã được quy định thành một chương riêng - Chương III của Luật PCTN năm 2018.
   
    Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã chỉ đạo việc tham mưu, đề xuất ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN, nhất là các nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; các chỉ thị, kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng; các quy định về nêu gương, kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng, kiểm soát tài sản của cán bộ, về thẩm quyền và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra trong công tác PCTN… Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo luôn nhấn mạnh nội dung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế; chương trình công tác trọng tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo đều có nhiệm vụ chỉ đạo hoàn thiện thể chế; đồng thời, phân công các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và một số Thành viên Ban Chỉ đạo là người đứng đầu các ngành, lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng hoàn thiện thể chế, xem đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác PCTN. Do vậy, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, đặc biệt là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, có tác dụng PCTN hiệu quả. Thực hiện các giải pháp PCTN của Đại hội Đảng lần thứ XII về “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả...; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức - bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và thể chế về PCTN theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, công tác hoàn thiện thể chế PCTN và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua, có thể khái quát một số kết quả cụ thể như sau:

    Thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nâng cao trách nhiệm thẩm tra, cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, hạn chế tối đa những thiếu sót, “lợi ích nhóm”, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, đặc biệt là các dự án luật: - Luật PCTN năm 2018: Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, cơ chế phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời, sửa đổi quy định về các hành vi tham nhũng để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, bổ sung quy định về trách nhiệm của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong thanh tra, kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trách nhiệm trong việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đến Cơ quan điều tra hoặc cơ quan, tổ chức khác để xử lý theo thẩm quyền, bổ sung quy định nhằm làm rõ hơn nữa việc xử lý tham nhũng đối với người có chức vụ, quyền hạn, không phụ thuộc vào vị trí công tác, kể cả trường hợp đã nghỉ hưu, chuyển công tác(1)...;

    - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Quy định tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tham nhũng như mở rộng xử lý trách nhiệm hình sự người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại đối với tội rửa tiền phù hợp với điều ước quốc tế và nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “sân sau”, “lợi ích nhóm”(2)...;

    - Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung nội dung quy định mới về bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách hiệu quả, thực chất, quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết tố cáo, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật, đồng thời, quy định xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo(3)...;

    - Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung (năm 2019), quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để chuyển Cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng xử lý theo quy định(4)...;

    - Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung (năm 2020) quy định rõ hơn về thời hạn giám định, trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức được trưng cầu, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, việc giám định liên quan đến chuyên môn của nhiều cơ quan, giám định phục vụ công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử(5).

    Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều luật, bộ luật, nghị quyết quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã thông qua 52 luật, 02 pháp lệnh, như: Luật Báo chí; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Quản lý nợ công; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước... 

    Thứ hai, các cơ quan chức năng đã tập trung và có nhiều cố gắng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể: 

    - Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, hiện nay đang chủ trì nghiên cứu Đề án “Nghiên cứu mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”.

    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp trong PCTN và nhiều quy định khác liên quan đến lĩnh vực công tác PCTN như: Quy định số 01-QĐ/TW, ngày 10/5/2018 về trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong PCTN; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ… 

    Hiện nay, đang triển khai Đề án “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh PCTN ở Việt Nam”. 

    - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác hoàn thiện thể chế để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, sơ hở trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành 79 nghị quyết, Chính phủ đã ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, điển hình là Chỉ thị số 12/CTTTg, ngày 28/4/2016 về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Nghị định số 117/2018/NĐ-CP, ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài góp phần bảo đảm việc giải quyết tố cáo, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự… Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành trên 11.000 văn bản; sửa đổi, bổ sung trên 3.000 văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. 

    - Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao ban hành 04 nghị quyết, đang chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm tham nhũng, bàn hành 01 án lệ xác định tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Tham ô tài sản” và nhiều văn bản khác hướng dẫn nghiệp vụ xét xử đối với các vụ án tham nhũng. Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP, ngày 30/6/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Khoản 3, Điều 7, Bộ luật Hình sự và Công văn số 256/TANDTCPC, ngày 31/7/2017 về việc hướng dẫn thi hành Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 41/2017/QH của Quốc hội, trong đó hướng dẫn cụ thể việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân đối với trường hợp người bị kết án phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ theo quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 40, Bộ luật Hình sự; Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP, ngày 24/4/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong đó quy định một trong những điều kiện để được xét tha tù trước hạn có điều kiện là phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghị quyết số 02/2018/NQHĐTP, ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65, Bộ luật Hình sự về án treo, trong đó quy định những trường hợp không cho hưởng án treo bao gồm: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP, ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 về tội “Rửa tiền” của Bộ luật Hình sự. 

    - Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp ban hành nhiều thông tư liên tịch để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng. Thông tư số 01/2017/TTLT-VKSNDTCTANDTC-BCA-BTTP, ngày 13/12/2017 quy định các trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; Thông tư số 03/2018/TTLTVKSNDTC-BCA-BTTPTTCP, ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; Thông tư số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTCBNN & PTNT-VKSNDTC, ngày 29/12/2017 quy định về phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết, tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố...

    - Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP, ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài góp phần bảo đảm việc giải quyết tố cáo, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

    - Các tỉnh ủy, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản mới(6) nhằm chấn chỉnh những hạn chế, sơ hở trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan nội chính, thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. 

    Nhìn chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh; nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng PCTN hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; khắc phục một bước những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Có thể nói, đến nay, các chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN cơ bản đã tương đối đầy đủ, cái cần nhất bây giờ là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Về việc hoàn thiện khung luật pháp, chúng ta đã có hẳn một luật chuyên biệt về PCTN, được ban hành và áp dụng trong thực tiễn từ sớm và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bên cạnh rất nhiều luật liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước có các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi việc phát hiện, xử lý tham nhũng... 

    Các nỗ lực của cơ quan lập pháp trong việc đặt cơ sở pháp lý cho hoạt động PCTN là rất đáng ghi nhận. Từ việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, có thể thấy kết quả rõ nét, từ năm 2015 đến nay, Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 1.365 vụ án/3.024 bị can (khởi tố mới 1.085 vụ án/2.395 bị can về tội tham nhũng, trong đó tội Tham ô tài sản 433 vụ án/762 bị can chiếm 41%, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn 268/807 bị can chiếm 25,3%, tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 155 vụ án/285 bị can chiếm 14,7%, tội Nhận hối lộ 84 vụ án/144 bị can chiếm 7,9%).. án tham nhũng được phát hiện, khởi tố mới có chiều hướng gia tăng theo từng năm(7). Đã giải quyết 1.153 vụ án/2.599 bị can, đạt 84,5%, trong đó kết thúc điều tra đề nghị truy tố 1.020 vụ án/2.426 bị can, chiếm 88,5% số án đã giải quyết, đình chỉ điều tra 42 vụ án/27 bị can, tạm đình chỉ điều tra 91 vụ án/146 bị can(8); Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.052 vụ án/2.510 bị can về tội tham nhũng (án mới 1.020 vụ án/2.426 bị can), đã truy tố 1.010 vụ án/2.370 bị can, đạt 96%, tạm đình chỉ 01 vụ án/01 bị can, đình chỉ 09 vụ án/22 bị can; Tòa án nhân dân 02 cấp đã thụ lý 1.750 vụ án/3.912 bị can, trong đó đình chỉ xét xử 03 vụ án/08 bị can, trả hồ để điều tra bổ sung 494 vụ án/1.340 bị can, xét xử sơ thẩm 952 vụ án/2.181 bị cáo với mức án nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe(9), xét xử phúc thẩm 530 vụ án/1.176 bị cáo về các tội danh tham nhũng; Cơ quan điều tra hình sự các cấp trong Quân đội đã tiếp nhận, khởi tố điều tra 31 vụ án/70 bị can về tội tham nhũng; Viện kiểm sát quân sự các cấp đã kiểm sát điều tra 22 vụ án/56 bị can, đã truy tố 18 vụ án/46 bị can, đã kiểm sát xét xử 18 vụ án/46 bị can; Tòa án quân sự các cấp đã xét xử 27 vụ án/59 bị cáo bị truy tố về nhóm tội tham nhũng (xét xử sơ thẩm 17 vụ án/35 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/24 bị cáo); việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” và nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. 

    Việc sửa đổi một cách tổng thể các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN. Thể hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng” cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”(10).
 

    (1) Luật PCTN năm 2018 quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm
toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt
động thanh tra, kiểm toán tại Điều 62; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 64. Tại Khoản
1, Điều 92 quy định: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý
nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”.
    (2) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
tại Khoản 1, Điều 51 và 15 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Khoản 1, Điều 52. Cùng với đó là các điều
kiện khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; hậu quả pháp lý khi áp dụng tình tiết
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 54, Bộ luật Hình sự năm 2015).
    (3) Luật Tố cáo năm 2018 quy định một số điểm mới như bổ sung hình thức công khai kết luận nội dung tố cáo,
quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (Điều 40); quy định trình tự bảo vệ người tố cáo; quy định chi tiết về
việc lập hồ sơ bảo vệ, trong đó đã cụ thể hóa các bước trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo.
    (4) Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung (năm 2019) sửa đổi, bổ sung Khoản 4 và bổ sung Khoản 4a vào
sau Khoản 4, Điều 13 như sau: “4. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật,
kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước; PCTN trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước theo quy định của
Luật PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công
chức, viên chức thuộc Kiểm toán Nhà nước. 4a. Ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo
cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”.
    (5) Điều 25, Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối
hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định
và cơ quan có liên quan trước khi ban hành Quyết định trưng cầu, đặc biệt trường hợp nội dung giám định của
vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp; bổ sung Điều
26a vào sau Điều 26 quy định quy định thời hạn giám định là 03 tháng, trường hợp có tính chất phức tạp hoặc
khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng trường hợp phải gia hạn thì không quá một
phần hai thời hạn giám định tối đa đói với loại việc đó.
    (6) Phú Thọ rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành 117 văn bản; Thái Bình xây dựng, sửa đổi, bổ sung,
ban hành 64 văn bản; Hà Giang xây dựng, sửa đổi, bổ sung 131 văn bản; Vĩnh Long xây dựng, sửa đổi, bổ sung
95 văn bản; Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng, sửa đổi, bổ sung 31 văn bản…
    (7) Năm 2016 khởi tố mới 182 vụ/367 bị can; năm 2017 khởi tố mới 219 vụ/509 bị can; năm 2018 khởi tố mới
280 vụ/562 bị can; năm 2019 khởi tố mới 289 vụ/690 bị can; quý I/2020 khởi tố mới 63 vụ/171 bị can (theo Báo
cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
    (8) Theo Báo cáo số 189-BC/BCSĐ, ngày 04/6/2020 của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
    (9) Với 03 án tử hình cho 03 bị cáo; 11 án chung thân cho 10 bị cáo; 05 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm;
các bị cáo còn lại từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ; phạt tiền.
    (10) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm
2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính Đảng (ngày 22/01/2019).

Trịnh Thăng Quyết
(Ban Nội chính Trung ương)

.