Những điểm mới, điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng về chính trị
Thứ Hai, 09/11/2020, 07:00 [GMT+7]
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra vào quý I năm 2021, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Đất nước đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn. Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII; đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, có nhiều điểm mới, điểm nhấn, nhất là trong công tác xây dựng Đảng về chính trị.
Một cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII |
Thứ nhất, về tầm nhìn, Dự thảo Báo cáo chính trị đã cập nhật những diễn biến mới nhất tình hình trong nước và thế giới; phân tích, dự báo một cách khoa học về xu hướng phát triển của thế giới trong thời gian tới; tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu mới phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Dự thảo Báo cáo chính trị dành ra một mục riêng đề cập đến năm quan điểm chỉ đạo, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”. Không chỉ “nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập” mà còn phải “nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”. Không chỉ “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” mà còn phải “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Thứ ba, về nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phải “tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”, nhấn mạnh hơn so với nhiệm vụ “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” của Đại hội XII. Dự thảo kế thừa chủ trương Đại hội XII là: “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam”, phát triển thành chủ trương Đại hội XIII là: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”. Điểm nhấn ở đây là việc nâng cao bản lĩnh, nâng cao năng lực dự báo trong công tác chính trị tư tưởng của Đảng. Dự thảo xác định cần nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ tư, về tư duy lý luận, dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng yêu cầu: “nâng tầm tư duy lý luận của Đảng”. Từ sau Đại hội XII đến nay, tư duy lý luận của Đảng tiếp tục có bước phát triển. Chúng ta tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bổ sung, phát triển hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế; tiếp tục hoàn thiện các mối quan hệ lớn cần phải nâng cao nhận thức, nắm vững và giải quyết tốt... Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có những chuyển biến nhất định, nhiều luận điểm khoa học đã được ghi nhận, trở thành cơ sở và luận cứ khoa học quan trọng, góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề lý luận cơ bản chưa được nghiên cứu toàn diện, một số vấn đề mới, khó vẫn chậm được làm sáng tỏ. Về vấn đề này, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phải “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, định hướng chính sách. Thực hiện nghiêm quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng yêu cầu: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu các vấn đề lý luận khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài; những vấn đề chưa rõ về cơ sở lý luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau, mạnh dạn cho thí điểm, tổng kết kịp thời để có kết luận nhằm thống nhất về mặt nhận thức”.
Thứ năm, về thực hành dân chủ, kế thừa và phát triển chủ trương của Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu: Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp: Thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Học thuyết Mác - Lê-nin về Đảng Cộng sản chỉ ra rằng, giai cấp vô sản muốn làm cách mạng phải thành lập được chính đảng độc lập của mình. Đảng đó phải là đội tiền phong của giai cấp vô sản, có nền tảng tư tưởng và lý luận cách mạng; đề ra được cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn; có nguyên tắc tổ chức và hoạt động khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ và đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng; xây dựng thể chế và tác phong lãnh đạo của Đảng; xây dựng năng lực cầm quyền để tranh đấu giành chính quyền về tay giai cấp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”. “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1).
Do đó, muốn xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của cán bộ, đảng viên, phải coi trọng đúng mức phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị để tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những năm qua, việc phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị được nhiều cấp ủy các cấp ngày càng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo triển khai, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Môi trường nghiên cứu từng bước được xây dựng theo hướng cởi mở, tạo điều kiện thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ được quan tâm hơn, có sự chuyển biến tích cực về số lượng, trình độ cán bộ nghiên cứu lý luận. Kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo cơ sở lý luận cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu lý luận, tính phát hiện mới, bổ sung, phát triển lý luận, hàm lượng khoa học, tính sáng tạo trong không ít công trình nghiên cứu chưa cao, nhất là ở địa phương. Năng lực dự báo của công tác nghiên cứu lý luận còn thấp. Phương pháp nghiên cứu còn lạc hậu, chậm cập nhật. Việc nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những kết quả nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài còn thụ động, một chiều (sử dụng những thuật ngữ của phương Tây, thuật ngữ mới chưa xác định rõ nguồn gốc tư tưởng, trường phái, nội hàm, thậm chí đa nghĩa). Điều này cho thấy, cần tiếp tục coi trọng phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận để tiếp tục nâng cao tầm trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân.
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định các nguyên tắc về xây dựng Đảng, có thể khẳng định những điểm mới, điểm nhấn của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII trong xây dựng Đảng về chính trị sẽ tạo những dấu ấn chính trị, tư tưởng quan trọng, góp phần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; góp phần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289. |
Phương Hoa
(Ban Tuyên giáo Trung ương)