Điểm báo tuần số 372 từ ngày 15/6 đến ngày 20/6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 22/06/2020, 10:24 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Nhà báo và Công luận, An ninh Thủ đô, Đài TNVN, TTXVN (16/6) cho biết, Bộ Công an phối hợp Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức gặp mặt giao lưu điển hình tiên tiến Công an nhân dân (CAND) và các nhà báo tiêu biểu TTXVN trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Tại buổi gặp mặt, các gương mặt điển hình tiên tiến trong lực lượng CAND và các nhà báo tiêu biểu của TTXVN trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đã giao lưu, trao đổi những cách làm sáng tạo, những hành động mưu trí, dũng cảm; vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ CAND và các nhà báo trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Nhân dịp này, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thông tấn” cho 7 cá nhân thuộc Bộ Công an; tặng Bằng khen của Thông tấn xã Việt Nam cho 8 tập thể thuộc Bộ Công an có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công an trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho 3 tập thể và 3 cá nhân thuộc Thông tấn xã Việt Nam có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Thông tấn xã Việt Nam.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân,Nhân Dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Thời báo Tài Chính, Khoa học và Đời sống, Giao Thông, Nông nghiệp, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (16/6) đưa tin về Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban cán sự đảng, Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí thư Tỉnh ủy… Những việc làm trên của ông Lê Viết Chữ đã vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Viết Chữ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của ông Chữ cho sự phát triển của tỉnh, căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức Cảnh cáo.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giao Thông, Nông nghiệp, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/6) đồng loạt đưa tin về buổi bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, chương trình nghị sự có nhiều nội dung quan trọng, như: Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó, các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. Xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tại kì họp này, Quốc hội phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; quyết định công tác nhân sự, trong đó có thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
bế mạc Kỳ họp thư 9, Quốc hội khóa XIV |
Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Người lao động, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (20/6) cho biết, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây: (1) Xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. (2) Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. (3) Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. (4) Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Các cấp uỷ đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. (5) Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các khoá gần đây. (6) Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử. (7) Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử. (8) Các tỉnh uỷ, thành uỷ thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. (9) Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo, tổ chức bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/6) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Công Hiệp, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; quyết định khởi tố các bị can Trần Công Thiện, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng phòng Quản lý - Đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy Hồ Chí Minh, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án liên quan đến Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty SADECO.
Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài TNVN (17/6) dẫn nguồn tin từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã triển khai quyết định thi hành kỷ luậtvới hình thức: Cách chức Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đối với Đại tá Đặng Văn Thống, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; kỷ luật với hình thức “cảnh cáo” đối với Đại tá Hồ Tú Điền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; kỷ luật với hình thức “khiển trách” đối với Đại tá Võ Hoàng Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. 03 lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã có những khuyết điểm, sai phạm như: Chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng; có nhiều sai phạm trong công tác cán bộ; thiếu gương mẫu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng và đất được giao quản lý dẫn đến nhiều sai phạm; chưa thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đơn vị để xảy ra sai phạm với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng; vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra giám sát của cấp ủy (từ năm 2017-2019 không tổ chức kiểm tra, giám sát theo kế hoạch), cán bộ vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng không xử lý...Với những khuyết điểm, sai phạm của các lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã làm ảnh hưởng đến đến uy tín của bản thân, tổ chức và cơ quan.
Báo Quảng Trị, Đời sống và Pháp luật, Thanh Niên, VietnamNet, TTXVN (18/6) thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh Quảng Trị cho biết đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Ngọc Hoàng, cán bộ Phòng giao dịch Nam Cửa Việt, Chi nhánh Agribank huyện Triệu Phong và các cán bộ liên quan vụ chiếm đoạt tiền tỷ của khách hàng, Trước đó, ngày 12/6/2020, sau khi nhận được báo cáo của Agribank chi nhánh huyện Triệu Phong về việc cán bộ tín dụng Nguyễn Ngọc Hoàng lợi dụng việc quan hệ với khách hàng vay vốn để chiếm dụng tiền, Agribank Quảng Trị đã thành lập Đoàn kiểm tra, đối chiếu trực tiếp và qua tự khai báo của ông Hoàng, Đoàn kiểm tra phát hiện số tiền bị chiếm dụng là 2,2 tỷ đồng liên quan các khoản vay và trả nợ của khách hàng. Agribank Quảng Trị đã phối hợp với Cơ quan điều tra để làm rõ sự việc, đồng thời cam kết thực hiện việc thu hồi và trả lại số tiền bị chiếm dụng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Báo Lao Động, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Tiền Phong, Khoa học và Đời sống, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (18/6) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định gia hạn thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thêm 15 ngày. Liên quan đến vụ việc, ngày 4/6, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Xuân Dũng để tiến hành thanh tra, làm rõ thông tin phản ánh về trường hợp bà Hoàng Thị Ngọc Thúy ( ngụ tại quận Hoàn Kiếm) mới đây bị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm xử phạt 28 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Vụ án này do ông Nguyễn Xuân Dũng ký cáo trạng. Thông tin phản ánh cho rằng, quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Xuân Dũng đã gặp gỡ, nhận tiền từ gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Thúy và hứa hẹn "sẽ làm khách quan". Tuy nhiên, sau đó, ông Nguyễn Xuân Dũng vẫn chỉ đạo truy tố và bà Thúy bị xử phạt 28 tháng tù.
Báo Gia Lai, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Nông nghiệp, Thanh Niên, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (20/6) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt hơn 30 năm tù đối với các bị cáo nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai và nhiều cán bộ thuộc cấp về các tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo hồ sơ vụ án, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, ông Phùng Xuân Quýnh, Giám đốc Sở Y tế thời điểm này đã quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc gồm 8 thuộc cấp tại Sở Y tế. Tổ chuyên gia đã có hành vi xét thầu sai, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng cho Nhà nước. Kết thúc phiên xét xử, đã tuyên phạt bị cáo Phùng Xuân Quýnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế mức án 01 năm 06 tháng tù; bị cáo Nguyễn Công Nhân, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế 5 năm tù và bị cáo Đặng Đức Châu, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế 6 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 6 năm tù giam.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh Niên (16/6) cho biết, ông Hạng Tuấn Ba, cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) đã nhận án 11 năm tù với cáo buộc tham nhũng. Ông Hạng bị cáo buộc nhận hối lộ khoản tiền trị giá 18,6 triệu Nhân dân tệ (2,6 triệu USD) để đổi lấy việc đảm bảo cho một số dự án và công việc khác. Số tiền tham ô này sẽ bị thu hồi và sung công. Đối tượng không kháng cáo bản án này. Hạng Tuấn Ba đã trở thành Chủ tịch CIRC vào năm 2011, sau thời gian nắm giữ vai trò Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Hạng Tuấn Ba cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Đối tượng đã nằm trong diện bị điều tra vào tháng 4/2017 do bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Báo Lao Động (18/6) dẫn nguồn tin của Nhật báo Mainichi, Nhật Bản cho hay, ông Katsuyuki Kawai, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản và vợ là Nghị sĩ Anri Kawai đã bị bắt vì nghi vi phạm luật bầu cử trong lúc chạy đua vào Thượng viện năm 2019. Các Công tố viên Nhật Bản nghi ngờ cựu Bộ trưởng Tư pháp đã đưa 24 triệu yên (khoảng 233 nghìn USD) và bà Anri Kawai đã chi 1,5 triệu yên (khoảng 14 nghìn USD) để mua chuộc khoảng 100 người trước cuộc bầu cử Quốc hội năm 2019. Cuộc bầu cử đã giúp bà Anri giành được một ghế tại Thượng viện Nhật Bản. Tuy nhiên, bà Anri phủ nhận cáo buộc và không đưa ra bình luận nào khác.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
- Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
- Cách chức Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.
- Xác minh việc Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị tố nhận tiền của bị cáo.
- Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai nhận mức án 01 năm 6 tháng tù giam.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG